Giữ bình yên cho người dân vui Xuân, đón Tết Trong cái lạnh tái tê khi thời tiết vào xuân, những chiến sỹ cảnh sát giao thông vẫn phải trực các chốt để điều tiết giao thông đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông trên các tuyến đường. Thượng sỹ Vũ Thị Thu Hương, Đội Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Ninh Bình) mới vào nghề hơn 2 năm nhưng cả 2 năm phải trực Tết qua giao thừa.
Chia sẻ về những khó khăn, vất vả của nghề, Thượng sỹ Vũ Thị Thu Hương cho biết: "Là một chiến sỹ CSGT, đối với nam giới đã vất vả, chúng tôi là nữ giới còn vất vả gấp nhiều lần. Ngoài hứng chịu cái nắng nóng, rét buốt, heo may… của thời tiết còn nhận cả những lời nói không hay, "đùa bỡn, trêu ghẹo" của một số thanh niên khi tham gia giao thông.
Đã có những "tai nạn nghề nghiệp" xảy ra, như một nữ cảnh sát tham gia trực chốt, khi nhắc nhở một nam thanh niên đi đúng làn đường, không phóng nhanh vượt ẩu đã nhận lại một bịch nước lạnh trong thời tiết giá buốt, không chỉ ướt nhèm rét run cầm cập mà còn tủi thân đến phát khóc…".
Càng vào ngày lễ, Tết, ngày diễn ra các sự kiện trọng đại của tỉnh, của đất nước, dịp lễ hội, đón các Đoàn công tác của nước ngoài, Trung ương…, chúng tôi thường vất vả hơn. Bình thường một ngày chúng tôi làm 6 tiếng, có sự kiện sẽ tăng ca thêm, nhưng vất vả nhất vào những giờ cao điểm và dịp cuối năm.
Khi mọi người, mọi nhà hối hả mua sắm, đi chơi Tết, chúng tôi vẫn phải làm nhiệm vụ của mình. Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, khi tôi hết ca trực đã là 2h đêm giao thừa, về đơn vị nhận lời chúc Tết của các đồng chí lãnh đạo phòng, lãnh đạo Công an thành phố thấy ấm áp hơn rất nhiều.
Thượng tá Vũ Văn Bằng, Phó trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Dịp Tết Đinh Dậu 2017, lực lượng CSGT thành phố sẽ phải trực 24/24h. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, CSGT còn tập trung vào công tác hướng dẫn, nhắc nhở nhân dân đi lại đảm bảo an toàn, đúng luật nhằm hạn chế thấp nhất TNGT, ùn tắc tại các tuyến đường có nhiều hoạt động buôn bán, mua sắm phục vụ Tết, như các tuyến đường đến Nhà thi đấu TDTT tỉnh, khu chợ hoa, cây cảnh, khu chợ Rồng, đường Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo…, đặc biệt là buổi tối và đêm giao thừa, không để xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.
Cùng với đó, Công an thành phố cũng yêu cầu và nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ cần đảm bảo mềm mỏng nhưng vẫn phải nghiêm khắc và giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tư thế tác phong, lời ăn tiếng nói khi ứng xử với quần chúng nhân dân trong thi hành nhiệm vụ.
Sức khỏe của bệnh nhân là quan trọng hơn cả
"Những ngày Tết, ai cũng có nhu cầu mong muốn được sum họp cùng gia đình, người thân để chào đón năm mới, cùng nâng ly rượu chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc hơn. Thế nhưng, đã chọn nghề y thì phải chấp nhận không chỉ một năm mà nhiều năm phải đón Tết tại bệnh viện. Và đôi khi những ngày trực ấy không chỉ là nỗi buồn của bản thân mình mà còn mang theo nỗi buồn của bệnh nhân khi họ không may gặp tai nạn nặng…" - Đó là tâm sự của bác sĩ Lê Đức Nghị, Trưởng khoa chấn thương-chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
"Những ngày Tết ở Khoa Chấn thương - Chỉnh hình nhiều khi còn tất bật hơn ngày thường. Có những năm, vào đúng thời khắc giao thừa, khi những màn pháo hoa rực sáng bầu trời, người người vui Xuân chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc thì cũng là lúc khoa phải phải tiếp nhận những ca cấp cứu nghiêm trọng, cần phải được điều trị kịp thời. Đó là những bệnh nhân uống rượu gây tai nạn giao thông hay đánh nhau gây thương tích, mà hầu hết đó là những tai nạn khá nặng, thường là gẫy chân, tay, chấn thương cột sống, lồng ngực, chấn thương sọ não…
Những lúc ấy, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng trực Tết không còn quan tâm lúc đó là thời điểm nào, mấy giờ, mà phải nhanh chóng, khẩn trương bắt tay vào cấp cứu cho bệnh nhân… Và chỉ đến khi cấp cứu được bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch, chúng tôi mới thấy vui và yên tâm. Còn khi không may bệnh nhân quá nặng, phải chuyển tuyến hoặc tiên lượng sẽ để lại di chứng nặng lại làm chúng tôi thấy buồn và đáng tiếc…" - Bác sĩ Nghị tâm tình.
Khoa Chấn thương - Chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiện có 22 bác sỹ, điều dưỡng, những ngày Tết được lãnh đạo khoa sắp xếp ứng trực theo 2 ca - trước Tết và sau Tết; tuy nhiên, việc phân ca, phân lịch như vậy cũng chỉ mang tính chất tương đối, bởi tùy vào lượng bệnh nhân, vào các ca bệnh mà đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải tăng cường, bổ sung để đảm bảo chăm sóc người bệnh tốt nhất.
Có những bác sỹ, sau khi hoàn thành ca trực Tết theo quy định, về nghỉ cùng gia đình đi thăm, chúc Tết họ hàng, nhưng chưa về đến nơi đã lại nhận điện thoại của lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa tăng cường vì có ca bệnh khó hoặc nhiều bệnh nhân cùng nhập viện… thế là lại gác chuyện gia đình, lỡ hẹn với vợ con, bố mẹ. Đối với họ, phải có những người thân, gia đình đồng cảm, chia sẻ thì mới có thể yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Mỹ Hạnh