Những hiểm nguy rình rập
Một buổi trưa trung tuần tháng 9, chúng tôi quyết định tìm về xã Gia Trung (Gia Viễn) để đi đò Chấn Hưng vượt sông Hoàng Long. Đây cũng là đò duy nhất trên địa bàn tỉnh chở học sinh sang sông (học sinh Trường THPT Gia Viễn C). Thấy chúng tôi đến, biết là khách lạ, ông Trần Văn Hiếu - chủ đò nhanh nhảu hỏi:
- Các anh, chị muốn qua sông?
- Vâng. Chúng cháu muốn nhờ bác cho quá giang - tôi đáp.
Ông Hiếu đưa mắt nhìn lướt hai vị khách lạ rồi vui vẻ nói:
- Vậy mời anh, chị lên đò.
Tiếng máy đò khởi động bình bịch xóa tan không gian tĩnh lặng của buổi trưa "nắng rám trái bưởi". Và trên chuyến đò vượt sông Hoàng Long, chúng tôi cảm nhận rõ hơn những vất vả, gian truân của người lái đò. Ông Hiếu bảo: Tháng 9 là mùa nước lũ dâng cao, sông Hoàng Long cũng trở nên rộng hơn bao giờ hết. Khi bình thường sông hiền hòa là thế, vậy nhưng vào những ngày mưa, nước chảy dữ lắm, dưới lòng sông nhiều vũng xoáy, cộng với gió giật mạnh khiến đò cứ chòng chành. Có hôm đang ở đoạn giữa sông, gió to làm con đò nghiêng ngả, ai cũng nháo nhào dồn về phía đầu đò, gây mất thăng bằng, rất nguy hiểm. Bây giờ, đò đã chạy bằng máy, công việc lái đò đỡ vất vả hơn xưa nhiều. Tuy nhiên, khi có mưa giông, dùng máy cũng khá nguy hiểm vì động cơ có thể bị trục trặc bất cứ lúc nào...
"Bình thường, công việc lái đò đã rất vất vả. Vào mùa mưa, nước sông dâng cao, chảy siết càng khiến người lái đò thêm áp lực, gặp khó khăn trong việc điều khiển đò…". Đó là chia sẻ của ông Hiếu, đồng thời cũng là nỗi niềm chung của nhiều người lái đò ngang khi mùa nước lên cao.
Ông Phạm Văn Bổng ở Khánh Thành là người gắn bó với bến đò Mười (sông Đáy) đến nay vừa tròn 35 năm nên ông hiểu rõ từng bất trắc, nếm trải từng gian nan, nguy hiểm. Với lưu lượng người qua sông mỗi ngày khá đông nên áp lực lên con đò cũng rất lớn. Bến đò Mười thuộc địa phận xã Khánh Thành (Yên Khánh) được nối với xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), là bến có chiều dài lớn nhất trong các bến thuộc tỉnh Ninh Bình (dài 500m). Hiện tại, 2 đầu của bến đò có 2 phương tiện được cấp giấy phép hoạt động chở người và hàng hóa qua sông. Trung bình mỗi ngày, đò Mười chạy trên 120 chuyến với khoảng trên 500 lượt hành khách và hàng trăm lượt phương tiện sang sông. Nhắc đến những kỷ niệm đã qua, ông Bổng vẫn nhớ như in ngày trước khi còn chèo đò bằng tay, có những lần mưa lớn bất thường, con đò của ông phải đi ngược dòng nước, cách điểm xuất phát cả mấy trăm mét, sau đó mới lựa hướng gió cho thuyền trôi theo dòng, khéo léo cập bờ bên kia. Có lần, đò gần cập bến rồi mà vẫn bị nước cuốn xuôi, trôi một đoạn dài, phải cố gắng mãi mới đưa đò về đích. Hôm đó về nhà hai vai và cánh tay cứ đau nhức mỏi cả đêm.
Những hiểm nguy từ sông nước luôn rình rập người lái đò ngang là điều mà họ phải chấp nhận khi hành nghề. Song, có những hiểm nguy từ chính những vị hành khách lại là điều mà họ luôn cảm thấy bất an. Ông Bổng nhớ lại: Tôi đã không ít lần bị khách cho "ăn tát" vì "cái tội" họ muốn qua sông nhưng do không đủ điều kiện an toàn, hoặc vì cố chờ thêm một vài hành khách nữa để bõ công dầu máy nên tôi chưa chạy. Hành khách thì "muôn hình vạn trạng", có những người vô duyên, vô cớ sinh sự khi họ đang có chuyện bực tức trong người, nhìn thấy lái đò chạy chậm cũng tìm cách gây sự... Đúng là nghề "làm dâu trăm họ". Khổ lắm các nhà báo ạ!- ông Bổng phân trần.
Không chỉ là mưu sinh
Có dịp tiếp xúc, trò chuyện với những người lái đò đã có thâm niên trên 30 năm chúng tôi hiểu rằng với những con người này, lái đò không chỉ là nghề để mưu sinh, mà đó còn là một niềm đam mê từ người cha, người ông của họ truyền lại, trở thành nghiệp của gia đình. Ông Trần Văn Hiếu chia sẻ: Hồi mới chèo đò, nhiều lần tôi thấy nhụt chí bởi nghề sông nước luôn tiềm ẩn những rủi ro, chưa kể áp lực phải đảm bảo an toàn sinh mạng cho hành khách trên mỗi chuyến đò, có những lúc cảm thấy như "ngàn cân treo sợi tóc". Lâu dần cũng quen, nên tôi thấy gắn bó và yêu công việc chở khách qua sông đến lạ, dù thu nhập chẳng đáng là bao. Chỉ cầu trời được khỏe mạnh, chắc tay lái để hàng ngày các chuyến đò được cập bến bình yên...
Kể về "duyên" gắn bó với nghề chèo đò, ông Hiếu cho biết: Năm 1986, sau khi học xong phổ thông, ông quyết định theo nghiệp cha để chèo lái con đò này. Khi ấy, bố ông nhận chèo đò thuê cho HTX nông nghiệp Hoàng Long, nhiệm vụ chính là chở các xã viên qua sông Hoàng Long để sang thôn Liên Sơn (Gia Sinh) trồng cấy. Đến năm 1990, HTX giải thể, ông Hiếu quyết định mua lại con đò của HTX và từ đó chính thức làm chủ bến đò Chấn Hưng này.
Trong suốt hơn 30 năm lái đò ngang sông Hoàng Long, ông Hiếu đã không ít lần lặn ngụp giữa dòng nước xoáy sâu để cứu người, vớt hàng hóa, vật dụng do khách hàng không may đánh rơi. Ông nhớ lại: Cách đây gần 10 năm, vào một buổi sáng mùa đông, như mọi ngày tôi chở các cháu học sinh sang sông. Đi đến giữa dòng thì bất ngờ có một cậu học trò nhảy ùm xuống. Tình huống xảy ra quá nhanh nên các học sinh trên đò hoảng loạn, la hét. Trong chốc lát, tôi trấn an tinh thần các cháu và nhanh chóng cho thuyền cập bến để các cháu còn lại trên đò được an toàn, rồi vội lao xuống dòng nước siết, bất chấp hiểm nguy và giá lạnh để cứu cậu học trò. Với sự trợ giúp tích cực của một số học sinh biết bơi trên chuyến đò năm ấy, cuối cùng chúng tôi cũng tìm và đưa được cậu học trò lên bờ, kịp thời giành lại sự sống cho cháu. Cứu được cậu học trò thì cũng là lúc chúng tôi người ướt sũng, lạnh toát vì lặn ngụp dưới dòng sông băng giá. Nhưng cứu sống được cậu học trò nhỏ thôi, cũng đủ làm ấm lòng người lái đò, đó thực sự là niềm hạnh phúc - ông Hiếu cười tươi.
Tâm sự về chuyện nghề, ông Bổng không giấu nổi niềm xúc động: Nhớ lại những năm 80, tôi đã không ít lần bất chấp đêm đông, giá lạnh và những hiểm nguy để đưa những người lính khi họ từ chiến trường xa trở về với gia đình. Bởi vì tôi biết với họ thì việc sớm được ở bên người thân từng giây, từng phút là rất quý giá.
Và cũng nhờ những chuyến đò ngang của ông Bổng mà đã có không ít lứa đôi ở hai bờ sông Đáy được xe duyên. Niềm vui của ông Bổng còn là những lúc giúp những người chẳng may có cha mẹ, người thân đang hấp hối, nhưng nhờ có chuyến đò mà họ đã kịp thời về gặp người thân trước lúc lâm chung...
Những người lái đò ngang mỗi người có một hoàn cảnh riêng và nhiều nét khác nhau nhưng ở họ có chung một điểm, đó là: bơi giỏi, da đen sạm vì dãi dầu nắng gió, âu cũng là nghiệp của họ! Đặc thù công việc còn hằn sâu trong tính cách của người lái đò: trầm tĩnh, cẩn trọng, chắc chắn. Bây giờ khi nhiều cây cầu đã được bắc ngang sông, người đi đò vì thế cũng ít hơn, đã có nhiều người khuyên ông Bổng, ông Hiếu bỏ nghề lên bờ ở dứt. Thế nhưng với ông Bổng, ông Hiếu đã có hơn nửa đời người gắn bó với nghề thì dường như những con đò, những dòng sông, những con sóng ì oạp mạn thuyền với những tiếng gọi đò ơi ới khi muốn sang ngang... đã níu giữ họ ở lại. Ông Bổng giãi bày: Nghề này được truyền đã 3 đời, từ ông nội tôi, đến cha tôi rồi bây giờ tới tôi. Nhưng giờ nói bỏ đò lên bờ sống thì không nỡ, thế là tuổi già vẫn cứ lênh đênh... Nói xong, ông Bổng nhìn xa xăm, mắt nheo nheo như cố nhớ lại những kỷ niệm vui - buồn của thuở mới theo nghiệp chèo đò...
Đinh Ngọc
Kỳ II: Cho những chuyến đò an vui