Cụ Bùi Thiện Toại, thân sinh ra anh Bạch, lúc còn trẻ là một cán bộ văn hóa nhưng được người đương thời mệnh danh là "cuốn từ điển sống về văn hóa văn nghệ Yên Mô". Dù cao tuổi nhưng thi sỹ Bùi Thiện Toại vẫn đều đều sáng tác, viết khảo cứu, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ của cộng đồng, địa phương.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà cái "gen văn nghệ" trong gia đình đã di truyền đến các con của cụ. Người Yên Mô hay nhắc đến các con cụ Toại là: Bạch, Thanh Khiết.
Những người thừa hưởng "dòng máu lãng tử" của thi sỹ Bùi Thiện Toại nên người nào cũng "đàn hay, hát giỏi" nức tiếng một vùng. Cái chất hào hoa ấy sang đến anh Bạch được anh đem ký thác vào thú chơi cây cảnh non bộ.
Nói về việc đến với nghề làm cây cảnh, anh Bùi Văn Bạch thổ lộ: Ban đầu cũng không có chủ ý theo nghề cây cảnh, tôi chơi cây vì từ trước cụ thân sinh ra tôi đã chơi. Nhà tuy không nhiều cây nhưng đó cũng là một cái thú vui tự nhiên. Tính yêu mến cây cối đã có truyền thống từ trong gia đình tôi. Về sau này khi phong trào chơi cây phát triển mạnh, cũng như nhiều người tôi cũng kiếm một ít cây về chơi.
Cây chơi chủ yếu là loại cây sanh. Các cây tôi không bao giờ bỏ tiền mua mà tự đi kiếm cây phôi hay cành về nhà trồng và uốn tỉa. Tôi cũng biết chút ít về hội họa nên khi làm cây cũng hay nghĩ đến việc tạo ra các dáng thế "lạ" và "độc". Tính tôi đã không chơi thì thôi, đã chơi thì rất ham, lúc nào cũng muốn vườn cây được chăm tỉa thật đẹp.
Có lẽ cũng nhờ những điều nói trên mà chỉ trong một thời gian ngắn, anh Bạch đã gây được một vườn cây khá đẹp. Khoảng năm 2012- 2014 thị trường cây cảnh đột nhiên sốt giá, vườn cây của anh Bạch bỗng có giá trị cao. Có khách mua, anh bán một ít cây. Cây ít thì năm tới bảy triệu đồng, cây nhiều tới 500 triệu đồng. Nhiều người chơi cây còn nhờ anh tới hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, uốn tỉa.
Từ chỗ tự làm cây để chơi anh Bạch chuyển sang làm dịch vụ mua bán, chăm sóc, uốn tỉa cây, đá lũa, sản xuất đôn, chậu cảnh...
Đến nay thì gia đình anh đã có được một vườn cảnh với diện tích 700m2 với 70 chậu cây các loại. Anh Bạch cũng xác định làm nghề gì cũng cần phải đầu tư, do vậy anh cũng để tâm nghiên cứu các kỹ thuật trồng và chăm tỉa cây, các kỹ thuật ký cây trên đá của các nghệ nhân nổi tiếng.
Nhờ "lưng vốn" ấy mà anh nâng cao được tay nghề, cây cảnh làm ra ngày một có chất lượng cao hơn, người mua cũng vì thế mà tìm đến nhiều hơn. Đến thời điểm hiện tại cây cảnh của đã bán đến nhiều địa phương như: Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa...
Về sau này mặc dù thị trường cây cảnh có nhiều biến động song lượng tiêu thụ cây của Bạch vẫn rất đều hàng tháng. Chia sẻ vấn đề này anh Bạch cho biết: Để bán được cây, vấn đề không phải chỉ ở chỗ thị trường sốt hay không sốt mà quan trọng là tay nghề người làm ra cây. Cây mà đẹp bao giờ cũng vẫn có khách mua. Kể cả khi phong trào chơi cây có phần trầm lắng thì người có tay nghề giỏi vẫn bán được cây và có việc làm.
Hiện tại ngoài anh Bạch, có hai người anh ruột cũng tham gia làm dịch vụ cây cảnh. Nghề kinh doanh sinh vật cảnh trở thành nghề đem đến thu nhập cho chính đại gia đình anh.
Ngoài nghề kinh doanh cây cảnh anh Bạch thi thoảng còn "đá" thêm nghề tay trái cũng không kém phần nghệ sỹ là chơi nhạc cho các đám cưới. Mà nói không ngoa cả chơi nhạc lẫn ký cây anh đều làm rất "nuột".
Nghề cây cảnh của Bùi Văn Bạch đã góp phần không nhỏ trong việc giúp gia đình anh có được cuộc sống sung túc. Ngoài ra lúc đại vụ, giáp tết, nhu cầu tiêu thụ cây nhiều, có lúc anh thuê thêm từ 3-5 lao động địa phương phụ giúp. Điều này cũng góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân trong xóm.
Hiệu quả từ việc làm dịch vụ sinh vật cảnh của cá nhân anh Bạch cũng là một gợi ý về một hướng đi trong hoạt động kinh tế đó là "phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao" mà Hội SVC tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện.
Mai Phương