Đinh Văn Thắng, sinh năm 1993, ở thôn Bãi Cả, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan. Thắng được kết nạp đảng từ khi còn đang là sinh viên của Trường Đại học sư phạm Vinh. Ra trường, Thắng có 2 năm gắn bó với "phấn trắng, bảng đen" trước khi quyết định trở về quê sát cánh cùng đồng bào trong phát triển kinh tế. Quyết định tưởng như "hâm, dở" năm nào, nay đã được đổi lại bằng những trái ngọt. Đinh Văn Thắng và bà con thôn Bãi Cả đã làm được điều kỳ diệu, từ một thôn nghèo nhất nhì xã, nay Bãi Cả chỉ còn có 6 hộ nghèo, trở thành một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã Cúc Phương.
Chuyện một đảng viên trẻ miền sơn cước
Bỏ việc về làm… nông dân
"Ăn cơm trên núi, uống nước dưới hang", cái khó, cái khổ của thôn được người dân thôn Bãi Cả đúc kết bằng câu thơ ấy.
Ông Đinh Văn Chung là một trong những hộ đầu tiên đến lập nghiệp ở thôn mới Bãi Cả. Những nhọc nhằn của cuộc đời được ông mong mỏi thay dổi ở những đứa con, được đến trường để có nhiều kiến thức, sau này cuộc sống bớt khổ hơn.
Giờ, cậu con trai thứ hai của gia đình ông là anh Đinh Văn Thắng "đòi" bỏ công việc giáo viên để ở nhà phát triển kinh tế và gánh vác vai trò của một trưởng thôn. Ông Chung trăn trở nhiều lắm. Con ông lại muốn quay về làm nông nghiệp như ông, như bao thế hệ người dân trong thôn Bãi Cả này. Tâm huyết, công sức và hi vọng bao năm qua của ông về tương lai của con chả lẽ lại đổ sông, đổ biển sao?
Nhưng con trai ông rất kiên quyết. Nhìn vào ánh mắt của Thắng- một đảng viên trẻ, ông hiểu rằng quyết định ấy không phải là bồng bột, sốc nổi. "Thắng muốn gắn bó với thôn, dùng những kiến thức đã được học để hỗ trợ bà con vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thắng đã quyết định như thế, vợ chồng tôi chỉ còn biết ủng hộ, mong khát vọng của con sẽ trở thành hiện thực mà thôi"- ông Chung chia sẻ.
Ông Đinh Minh Huân làm trưởng thôn Bãi Cả từ khi thôn mới thành lập (năm 1994) cho đến năm 2016. Giờ, ông Huân đã hơn 60 tuổi, chặng đường vượt khó của thôn như hiện ra ngay trước mắt ông. "Thôn Bãi Cả được hình thành muộn nhất ở xã Cúc Phương. Khi mới thành lập, cả thôn có dăm ba chục nhà. Ba bề bốn bên chỉ là cỏ là sim, rất khó để phát triển kinh tế. Có những người cả cuộc đời lam lũ mà vẫn không đủ no. Nhưng trong khó khăn, người dân vẫn động viên nhau cố gắng cho con cái đến trường, học cái chữ để sau này biết cách mà làm kinh tế"- ông Huân nói.
Hai chục năm sau, các gia đình ở thôn Bãi Cả bắt đầu được thu "quả ngọt". Những đứa con được nuôi nấng, giáo dục bằng củ sắn, củ khoai nay đã trưởng thành. Nhiều thanh niên trẻ làm việc cho các cơ quan Nhà nước, người thì trở thành công nhân tay nghề cao, có mức thu nhập khá. Và đặc biệt, có những đảng viên như Đinh Văn Thắng, nguyện mang sức trẻ, kiến thức và khát vọng cống hiến về để sát cánh cùng với đồng bào, đưa thôn Bãi Cả phát triển vươn lên.
Đầu năm 2017, ông Huân đã "trao" lại trọng trách của một trưởng thôn cho đảng viên Đinh Văn Thắng trong sự kỳ vọng lớn lao của đồng bào trong thôn. Ông Huân và bà con mong mỏi rằng, bằng sự nhiệt huyết, đam mê và bằng những kiến thức được tích lũy, Thắng sẽ làm được nhiều điều khác biệt cho thôn. Gần 4 năm qua, những mong mỏi của trưởng thôn Đinh Minh Huân và đồng bào thôn Bãi Cả đã dần dần được hiện hữu bằng những việc làm thiết thực của trưởng thôn trẻ Đinh Văn Thắng.
Những con nuôi mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Đinh Văn Thắng.
Anh Thắng năng động trong phát triển kinh tế của gia đình với mô hình trang trại nuôi con đặc sản. "Đảng viên nói phải đi đôi với làm. Tôi phát triển chăn nuôi dựa vào thế mạnh của vùng đất khó này. Hiện nay, tôi nuôi các loại con đặc sản như: Nhím, Hươu, Lợn rừng, Bồ câu…Kinh tế ổn định, tôi mới có cơ hội để chia sẻ, giúp đỡ đồng bào mình nhiều hơn. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi và hỗ trợ con giống để bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo"- Anh Đinh Văn Thắng chia sẻ.
Chuyện về lá đơn xin thoát nghèo
Chúng tôi tìm đến gia đình anh Đinh Văn Đoàn, một hộ mới thoát nghèo của thôn Bãi Cả trong năm vừa qua. Ngôi nhà nhỏ, tuy còn đơn sơ xong đã ấm cúng hơn nhiều so với những lần chúng tôi tới thăm gia đình anh trước đây.
Hai vợ chồng anh Đoàn còn rất trẻ. Họ "ôm" cái nghèo từ đời bố, đời mẹ để khi nên duyên với nhau, họ cũng vẫn nghèo. Loay hoay đủ kiểu mà vẫn không vươn lên được vì vợ chồng anh Đoàn không có vốn để làm ăn. Thành ra, còn trẻ mà gia đình anh vẫn nằm trong danh sách nghèo cùng với những người già, người không có sức lao động. Mỗi đợt địa phương thực hiện rà soát hộ nghèo là một lần anh Đoàn giấu giọt nước mắt vào trong. "Tôi thấy có lỗi với vợ, với các con khi chưa mang lại cho họ một cuộc sống no đủ hơn.
Gia đình tôi được đảng viên trẻ Đinh Văn Thắng phụ trách, giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo. Đồng chí thường xuyên đến thăm, chia sẻ, động viên và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của gia đình. Trên cơ sở đó, tham mưu với chính quyền địa phương đưa ra các phương án hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Anh Thắng từ một giáo viên trẻ trở về quê để chăn nuôi thành công. Anh ấy làm được, nhất định tôi cũng sẽ làm được. Tôi quyết tâm phải thoát nghèo. Mình thiếu công cụ gì thì sẽ xin hỗ trợ thứ ấy, và việc đầu tiên là tôi viết một lá đơn xin thoát nghèo"- anh Đoàn chia sẻ.
Anh Đoàn mang ra một chiếc túi clear. Những giấy tờ quan trọng của gia đình, anh gìn giữ cẩn thận ở đây. Đưa cho chúng tôi xem tờ đơn xin thoát nghèo anh viết cuối năm 2017, anh Đoàn khẳng định rằng động lực thoát nghèo lớn nhất là ở tờ giấy này. Mỗi khi gặp khó, mỗi khi nản chí, anh Đoàn lại mang lá đơn ra đọc để có thêm động lực không thể lùi bước.
Dẫn chúng tôi ra thăm quan đàn bồ câu đang tuổi lớn, anh Đoàn cho biết: Đây là những cặp chim bồ câu do trưởng thôn Đinh Văn Thắng hỗ trợ và hướng dẫn cách nuôi. Chưa thể thoát nghèo từ đó, nhưng bồ câu đã góp phần củng cố kinh tế, chắp cánh niềm tin cho gia đình tôi. Sau khi nuôi bồ câu thành công, tôi tiếp tục được trưởng thôn tạo điều kiện cho mua trả chậm cặp hươu. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình tôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây chuồng trại.
Năm vừa rồi, hươu đã cho thu hoạch nhung, gia đình tôi bắt đầu có thêm thu nhập. Việc chăn nuôi ổn định, tôi để cho vợ trông nom, còn tôi xin đi làm cho một công ty với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Không những ra khỏi danh sách hộ nghèo, kinh tế gia đình được củng cố vững chắc, tôi có niềm tin sẽ vươn lên trở thành hộ khá của thôn.
Xúc động lắng nghe tâm sự của anh Đinh Văn Đoàn, trưởng thôn Đinh Văn Thắng chia sẻ: Toàn thôn Bãi Cả có 102 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 95%. Ngoài làm trưởng thôn, tôi còn đảm nhận trách nhiệm của một Bí thư chi đoàn. Trong chi đoàn có 35 đồng chí đã lập gia đình và là trụ cột kinh tế. Trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, tôi vẫn động viên các đoàn viên rằng nỗ lực vươn phát triển kinh tế của chính gia đình mình, góp phần mang lại diện mạo mới cho thôn cũng là cách để thể hiện tình yêu, trách nhiệm với quê hương.Với sự nỗ lực của chính các gia đình, đến nay toàn thôn chỉ còn có 6 hộ nghèo, trong đó hầu hết là hộ nghèo thuộc diện đối tượng bảo trợ.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Đảng viên trẻ Đinh Văn Thắng thực sự đã lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực để khuyến khích lao động trẻ ở địa phương vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, với sự năng động, hết lòng vì công việc của những đảng viên như anh Đinh Văn Thắng, việc triển khai các chính sách, biện pháp hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo cũng đã phát huy được tối đa hiệu quả. Người dân được khuyến khích, phát huy nội lực để vươn lên. Đây chính là chìa khóa thành công trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Những năm qua, Cúc Phương là địa phương có chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 1,5 - 2%: Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 17,46%, đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,73%. Với những thành tích này, xã Cúc Phương được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen trong phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong giai đoạn 2016-2020.