Tiếp lời vợ, anh Phạm Khắc Dương ở thôn Vũ Thượng, xã Khánh An, huyện Yên Khánh kể: Ngày 5-11-2010, tôi sang làm việc tại Libya. Công việc của một thợ xây khá đơn giản, không quá vất vả nhưng mang lại cho tôi thu nhập 286USD/tháng. Dự kiến, sau vài năm lao động bên xứ người, có chút vốn nho nhỏ thì tôi sẽ về quê lập nghiệp. Thế rồi, Libya xảy ra nội chiến. Cũng như nhiều công ty khác, công ty nơi tôi làm việc cũng phải đóng cửa. Không có việc làm, ăn thì bữa đói bữa no, tiếng súng nổ rát bên tai, cảnh chết chóc diễn ra ngay trước mắt... tất cả lao động đều rơi vào trạng thái hoảng loạn. Đến ngày 26-2, sau 4 ngày nghỉ việc, công ty tôi đã dùng ô tô để chở lao động ra cửa khẩu của Tuynidi. Tại đây, chúng tôi được Hội Chữ thập đỏ Quốc tế lo cho chỗ ăn, ở. Thức ăn chủ yếu là bánh mỳ và sữa. Trong lúc khó khăn nhất thì tình người, tình đồng hương càng có ý nghĩa, chúng tôi chia nhau từng gói mỳ, từng viên thuốc. Chúng tôi phải ở lại cửa khẩu 8 ngày 8 đêm thì được đoàn cứu trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa về sân bay. Lưu lại sân bay 2 ngày 2 đêm thì tôi may mắn được lên máy bay về nước. Về tới sân bay Nội Bài, Công ty Vinaconex ra đón và chúng tôi nhận được 1 triệu đồng tiền hỗ trợ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Về địa phương, chính quyền và các đoàn thể cũng đến thăm hỏi và động viên tôi. Những món quà tuy nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với lao động chúng tôi. Đây là động lực, niềm tin giúp chúng tôi vững vàng vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.
Còn thanh niên trẻ Nguyễn Đình Xuân ở xã Khánh An, huyện Yên Khánh mới sang làm việc ở Libya chưa đầy... 1 tháng. Xuân cho biết: Em có nghề hàn, nên khi sang làm việc tại Libya em được trả mức lương 390USD/tháng. Thế nhưng, em chưa kịp nhận tháng lương đầu tiên thì xảy ra bạo loạn ở Libya. Sau những ngày sống trong sợ hãi, mệt mỏi, em được về nước ngày 7-3. Về nước bình an là điều mà tất cả lao động đều mong muốn và thực sự em thấy mình may mắn. Tuy vậy, điều mà em trăn trở nhất bây giờ đó là cuộc sống tiếp theo sẽ như thế nào? Số nợ hơn 50 triệu đồng mà gia đình em phải đi vay mượn cho em đi Libya chưa biết sẽ phải trả bằng cách nào? Hiểu nỗi niềm của con trai, ông Nguyễn Đình Lập - bố em Nguyễn Đình Xuân an ủi: "Bao nhiêu ngày con trai phải vật lộn chịu đói, chịu khát ở biên giới xứ người thì đó cũng là khoảng thời gian gia đình tôi mất ăn, mất ngủ ngóng tin con. Chỉ chứng kiến cảnh khốc liệt qua ti vi thôi, gia đình tôi cũng hiểu con trai mình về được đến nhà an toàn là may mắn quá rồi. Còn người là còn của. Rồi mọi chuyện sẽ ổn cả. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới các lao động tại Libya".
Niềm vui và sự trăn trở của gia đình anh Dương, em Xuân cũng là trăn trở chung của hơn 200 lao động của tỉnh Ninh Bình đi làm việc có thời hạn ở Libya. Trở về quê nhà với 2 bàn tay trắng, những khoản nợ vay để làm thủ tục xuất cảnh vẫn còn đó, nhiều lao động thực sự gặp khó khăn về kinh tế, song họ và người thân đều vui mừng khi được trở về an toàn.
Hiện tỉnh ta đang xúc tiến nhiều giải pháp để ổn định cuộc sống cho người lao động. Ông Lâm Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Ngay sau khi có biến cố ở Libya, Chính phủ lập cầu hàng không đưa lao động về nước, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã thành lập tổ chuyên trách theo dõi, cập nhật hằng ngày số lao động của địa phương để tham mưu lãnh đạo tỉnh có giải pháp giúp đỡ, động viên người lao động. Ninh Bình có hơn 200 lao động đi làm việc ở Libya, đến nay, toàn bộ số lao động này đã về nước an toàn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức các đoàn đi thăm, động viên mỗi lao động số tiền 3 triệu đồng được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Ngoài những chính sách giúp đỡ cho người lao động về nước từ Libya của Chính phủ, tỉnh ta đang đưa ra nhiều giải pháp giúp đỡ người lao động như: Tiến hành tổng hợp, phân loại đối tượng lao động để có phương án hỗ trợ. Đề nghị tất cả các ngân hàng khoanh nợ cho người lao động từ Libya về nước. Đề xuất các công ty đưa lao động đi Libya trực tiếp đến các gia đình lao động mới trở về thăm hỏi, xem xét nguyện vọng của người lao động, nếu người lao động có nhu cầu đi lao động tiếp ở thị trường khác thì tạo điều kiện ưu tiên xuất cảnh sớm. Động viên các công ty đưa lao động đi Libya hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động để tạo uy tín của các đơn vị xuất khẩu lao động và giúp lao động ổn định tư tưởng, cuộc sống. Ưu tiên việc làm cho các lao động tại các doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho lao động vay vốn phát triển sản xuất tại địa phương khi lao động có nhu cầu. Đặc biệt, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các hội đoàn thể khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động tại Libya về nước. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng dành nguồn kinh phí hơn 400 triệu đồng từ Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn để hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động, giúp họ sớm ổn định cuộc sống…
Thu Hằng