Anh Mai Văn Khới, hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã nhớ như in Kim Trung của 20 năm về trước chỉ là một vùng cỏ sậy mọc đầy, nước mặn bao phủ xung quanh. Cái vẻ hoang sơ ấy đã làm nản lòng, nhụt chí không biết bao nhiêu ý định làm giàu. Ngay cả bản thân anh Khới, một người con của đất Kim Sơn, khi đó được chuyển từ Văn Hải về làm cán bộ văn phòng của xã Kim Trung cũng có lúc bước đi, bước ngại. Nói là làm cán bộ văn phòng chứ thực tế lúc ấy văn phòng còn phải nhờ nhà dân. Phải 2 năm sau đó trụ sở làm việc của xã mới có điều kiện xây dựng đàng hoàng. Trong bối cảnh trụ sở làm việc không có, đường sá cũng mới chỉ định hình được vài đường xương cá nên công việc của người cán bộ lại càng khó khăn gấp bội. Năm 1993, cả xã chỉ có 521 hộ, dân cư ở thưa thớt nhưng đến nay con số này đã tăng gần gấp đôi, lên 929 hộ với hơn 3 nghìn nhân khẩu ở 6 thôn, xóm. Giờ đây nhà cửa đã mọc lên san sát mà hầu như nhà nào cũng có đầm tôm, đầm cá. Đất đai lại được bao phủ màu xanh của lúa, cói, tạo nên diện mạo trù phú cho mảnh đất được coi là vùng kinh tế mới.
Tuy mới đi hết chặng đường 20 năm nhưng con người và mảnh đất Kim Trung đã trải qua không ít thăng trầm, sóng gió mà nếu không có bản lĩnh và sự đoàn kết nhất trí cao thì cũng không thể làm nên điều kỳ diệu là biến vùng đất sình lầy chua mặn thành vùng đất ngọt như ngày hôm nay. Và tiếp tục câu chuyện về hành trình đi mở đất trong 20 năm ấy, anh Khới nhớ lại thời điểm đầu những năm 2000, người dân Kim Trung bắt đầu thành công với việc nuôi thả tôm, cua cho giá trị kinh tế cao. Mỗi năm 2 vụ (tôm và cua), trung bình thả 1 ha, đầu tư khoảng 8 triệu đồng tiền giống tôm, cho thu hoạch khoảng 70 triệu đồng/vụ, thả 25 triệu cua giống sẽ cho thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ. Nhiều nhà đã giàu lên trông thấy. Vậy là dẫu biết nghề này nhiều may rủi nhưng người người, nhà nhà ở Kim Trung vẫn quyết "đánh bạc với trời với đất". Bao nhiêu hy vọng làm giàu người dân gửi hết vào đầm tôm, cua. Hàng trăm chiếc sổ đỏ được mang đi thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư nuôi thủy sản ấy vậy mà khi bão về, mất hết, cái nghèo lại bủa vây. Thêm nữa, cán bộ địa phương còn thiếu thực tế trong việc quy hoạch đầm nuôi, hệ thống cấp thoát nước chưa phù hợp, trong khi đó nhiều nông dân lại thiếu kiến thức về việc nuôi trồng thủy sản… nên cũng đã xảy ra tình trạng tôm, cua bị dịch bệnh, thất thu. Đến tận bây giờ, sau gần chục năm nhiều người vẫn thuộc lòng những con số thống kê được cho là nghiệt ngã, chất chứa đầy đủ vị mặn chát của biển cả, vị đắng của mồ hôi, nước mắt của người dân Kim Trung, đó là ở thời điểm ấy, cứ 100 hộ nuôi chỉ có khoảng 2 hộ có lãi, 28 hộ hòa vốn (chưa tính công) và có tới 70 hộ chịu thua lỗ.
Bài học lớn được chính quyền và người dân Kim Trung rút ra sau những thất bại ấy là không nên chuyển đổi sản xuất một cách ồ ạt, trong khi chưa hiểu nhiều về con tôm, con cua, về sự thích ứng của nó với vùng đất này; chưa có hệ thống, cơ sở hạ tầng hoàn thiện... Sau đó với sự đầu tư của nhà nước, hệ thống kênh dẫn nước ngọt cắt từ Bình Minh và Cồn Thoi về đến xã đã giúp rửa mặn, thuần hóa chất đất phục vụ cho nuôi trồng thủy sản cũng như trồng trọt. Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, chính quyền các cấp và các ban, ngành có liên quan đã có giải pháp hỗ trợ trong công tác vệ sinh môi trường, xây dựng lịch thời vụ và kỹ thuật chuẩn bị ao đầm; mở các lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt kỹ thuật quản lý về giống thủy sản; chủ động dự báo phòng, chống dịch bệnh, khắc phục thời tiết bất thuận để có biện pháp chỉ đạo kịp thời... Những giải pháp đó cùng với sự tin tưởng của người dân vào đường lối lãnh đạo của chính quyền đã nhanh chóng mang về những mùa bội thu. Trên gương mặt sạm màu nắng gió, ông Đinh Xuân Hùng ở xóm 4 khoe với chúng tôi: Năm vừa qua gia đình tôi thu được gần 300 triệu đồng từ nuôi cá mú xen lẫn tôm sú và trồng rau câu, vì vậy cuộc sống đã đổi thay đáng kể. Là một người con của vùng đồng chiêm trũng Gia Viễn, nhưng sau 20 năm gắn bó máu thịt với mảnh đất này, dường như vị mặn mòi của biển cả đã cho ông vẻ rắn rỏi, khỏe khoắn dù đã quá tuổi 50. Ngày ấy khi dắt díu vợ trẻ, con thơ đến vùng kinh tế mới, trong tay người thanh niên này vốn liếng chẳng có gì. Vậy mà giờ đây gia đình đã an cư, lạc nghiệp. Ngôi nhà lợp bổi cói ngày nào đã thay bằng nhà ngói đỏ khang trang, con cái của ông người đang học đại học, cao đẳng, đứa đã nối nghiệp cha làm giàu cũng trên mảnh đất này. Nhìn sang những anh em, bạn bè cùng thời kỳ đầu tiên đi khai khẩn đất hoang, không phải ai cũng đã thoát khỏi cảnh nghèo song ông Hùng cho rằng đa số họ đã có cuộc sống khấm khá hơn và quan trọng họ vẫn kiên cường bám trụ miền đất hứa này và vẫn tin tưởng vào các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng bãi ngang nói riêng và với những dân nghèo nói chung.
Năm qua toàn xã đã giảm được 5,5% hộ nghèo so với năm 2011. Đó là tín hiệu vui, cũng là động lực để chính quyền và nhân dân Kim Trung tiếp tục sự nghiệp quai đê lấn biển, làm giàu cho quê hương.
Duy Hiền