Ông Nam, ở phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) năm nay 55 tuổi. Vẻ khắc khổ, dấu ấn của những tháng năm thăng trầm hằn sâu trên gương mặt, khiến ông Nam già hơn nhiều so với tuổi.
Một buổi sáng mùa đông, cũng như bao ngày mưa nắng khác, ông Nam rời nhà từ lúc 7 giờ sáng. Địa điểm đợi khách của ông khi chưa có một đơn hàng sẵn đó là ngã 4 đường Xuân Thành - Lê Thái Tổ. Không phải chờ lâu, ông Nam được khách thuê chở vật liệu xây dựng. Hơn 30 phút sau, ông Nam quay lại chỗ ban đầu, chúng tôi vẫn chờ ông ở đó.
Ông Nam mồ hôi nhễ nhại dù đang là thời tiết đông lạnh giá sau khi chở chuyến hàng hơn 2 tạ xi măng và mấy cuộn thép cho khách. Chuyến xe có hơn 1km, nhưng phải mất đến 30 phút mới hoàn thành vì đường đông, ngõ hẹp. Một chuyến xe như thế, ông Nam được trả 50 nghìn đồng. Ông Nam bảo, mỗi ngày, ông cũng chỉ chở được chừng 4-5 "cuốc" xe thôi. Giờ già rồi, không thể chở nhiều và chở xa như trước được nữa.
Vắng khách, ông Nam kể cho tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Ông bảo rằng, cuộc đời ông gắn với vòng quay của chiếc bánh xe xích lô từ hơn 30 năm trước. Khi đó, ông mới là một thanh niên tuổi ngoài 20. "Bố mẹ tôi mất sớm, tôi lớn lên trong sự cô đơn, thiếu hơi ấm chở che của gia đình. Tôi có sức khỏe, vì thế tôi chỉ biết chọn cái nghề bán sức để đổi lấy cơm gạo. Vậy là tôi chọn nghề đạp xích lô. Khi tôi lấy vợ, sinh con, thì chiếc xe đơn sơ này "chở" cuộc sống cho cả gia đình..."- ông Nam chia sẻ.
Cũng theo lời kể của ông Nam, trước đây, xe xích lô chủ yếu chở khách. Khu vực bến xe, ga tàu luôn nhộn nhịp khách đi xe. Dần dần, với sự phát triển đa dạng của nhiều loại hình phương tiện hiện đại, xe xích lô trở nên lép vế trong cạnh tranh chở khách. Nhiều người đạp xích lô chuyển sang nghề khác. Tuy vậy, xe xích lô lại có những điểm mạnh riêng, là sự lựa chọn tối ưu cho những khách hàng có nhu cầu chở hàng hóa.
Với thế mạnh của mình, những người đạp xích lô ít khi nào hiếm việc. Nếu sức khỏe tốt, người lao động có việc làm quanh năm. Không quá dư dả, nhưng cái nghề nhọc nhằn này cũng không phụ người. "Nói đến nghề đạp xích lô là nói tới nghề bán mồ hôi lấy tiền. Không thể kể hết được những nhọc nhằn, vất vả trong nghề. Nhưng bao năm qua đi, tôi vẫn gắn bó với nghề. Một phần là bởi tuổi đã cao, tôi cũng chẳng biết chuyển nghề gì, phần nữa là tôi làm lâu năm nên cũng trở nên gắn bó. Một ngày không đi làm có lẽ tôi ốm mất..."- ông Nam nói.
Giới thiệu với chúng tôi về chiếc xe xích lô của gia đình, ông Nam kể đây là chiếc xe thứ 2 trong… sự nghiệp của ông. Chiếc xe này ông sang tận Nam Định đặt làm với giá tiền 7 triệu đồng cách đây chừng dăm năm. Ông Nam cũng dự tính sẽ làm cho đến khi chiếc xe này hỏng thì nghỉ luôn chứ không mua, không sửa nữa. Vợ ông Nam làm thợ đánh giấy ráp cho một xưởng gỗ, mức thu nhập cũng được 200 nghìn/ngày công. Cậu con trai út còn nhỏ, nên vợ chồng ông gắng làm, chắt chiu tiết kiệm để cho con đến trường học hành đến nơi đến chốn, mang hi vọng cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn bố mẹ.
Mặc dù không có số liệu chính xác, nhưng theo những người chở xích lô lâu năm, trên địa bàn thành phố Ninh Bình có khoảng trên 150 người làm nghề chở xích lô. Những nơi tập trung nhiều xe xích lô là khu vực chợ, gần các cửa hàng bán vật liệu xây dựng, hàng nhựa cồng kềnh… Việc chở khách của người đạp xích lô khá nề nếp, không hề có sự tranh giành, ẩu đả, bởi đa số người đạp xích lô đều đã cao tuổi. Sự biết điều, nhường nhịn ở họ còn nhiều hơn những bon chen vật chất.
Dáng người nhỏ nhắn, nhưng rắn rỏi khỏe mạnh, ông Đại, một người đạp xích lô khu vực chợ Rồng tự hào cho biết, ông tuy nghèo nhưng lại có một sức khỏe "trời cho". Ngoài 60 tuổi và có hơn 20 năm gắn bó với nghề đạp xích lô, những ngày ông Đại phải nghỉ làm vì ốm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vợ ông mất sớm, ông nuôi 2 người con trưởng thành cũng từ những vòng quay của chiếc xe xích lô này.
"Có chuyến tôi chở đến vài tạ hàng hóa, đi cả chục km đấy. Nhưng giờ thì không chở được nhiều thế. Những mặt hàng cồng kềnh, nguy hiểm như tôn sắc nhọn tôi cũng không chở nữa vì nguy cơ mất an toàn. Tôi không muốn vì miếng cơm của mình mà gây nguy hiểm cho người khác. Năm nay, cũng như nhiều lao động ở các lĩnh vực khác, người đạp xích lô cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các công trình xây dựng ít hơn, nên chúng tôi thường chở hàng cho các tiểu thương, chủ yếu vào ban đêm..."- Ông Đại nói.
Hơn 40 tuổi mới vào nghề, nhưng ông Đại có nhiều mối khách quen vì tính ông thật thà, nhiệt tình và lấy giá cả rất phải chăng. Ông Đại kể, hôm trước ông mới chở hai người khách nước ngoài đi du lịch ở xã Ninh Hải. Quãng đường xa xôi nhưng ông cũng chỉ lấy khách với giá 200 nghìn/lượt. "Đạp xích lô thì lấy công làm lãi thôi. Tôi muốn lưu lại hình ảnh đẹp về mảnh đất và con người Ninh Bình trong lòng du khách đã từng có dịp về thăm quan tại quê hương"- ông Đại chia sẻ.
Hơn 20 năm làm nghề, có những chuyến xe bị khách quỵt tiền, có những lần bị va chạm với các phương tiện giao thông khác…, nhưng ông Đại bảo không muốn nhớ đến. Bởi với ông, nghề đạp xích lô cũng có nhiều câu chuyện đầy ắp niềm vui, hạnh phúc, vì có thể làm được nhiều việc tốt cho cộng đồng. Ví như có lần chở giúp người không may gặp nạn vào bệnh viện, hay những chuyến hàng chở cây cảnh vào chiều 30 Tết, cả người đạp xích lô và những người khách đều hối hả, hào phóng... Những kỷ niệm ấy khiến những nhọc nhằn trong ông như vợi bớt. Và ông lại hối hả hòa mình vào dòng xe cộ hiện đại, tiếp tục cho công cuộc mưu sinh chưa cho phép được dừng lại.
Đào Hằng - Minh Quang