Nhà giáo Đinh Quang Năm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Điệp cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 43 của Sở Giáo dục và Đào tạo về "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Kế hoạch số 101 của UBND thành phố Tam Điệp về "Triển khai thí điểm xây dựng mô hình "Chính quyền số cấp huyện" trên địa bàn thành phố", Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Điệp đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Điệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu chung là thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn ngành làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn thành phố, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể về công tác chuyển đổi số trong ngành Giáo dục thành phố theo từng giai đoạn đến năm 2025, 2030, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. Mục tiêu trước mắt phấn đấu từ nay đến năm 2025, hệ thống thông tin điều hành, quản lý giáo dục toàn ngành được kết nối thông suốt với các cơ sở giáo dục trực thuộc và cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh; bảo đảm 50% các hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số, 70% hồ sơ giấy được cắt giảm; 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số. 100% học sinh Tiểu học, THCS trên địa bàn có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Và ngay trong năm học 2021-2022, 100% trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thực hiện chương trình học bạ điện tử đối với học sinh khối lớp 1 và lớp 6. Ngay trong dịp nghỉ hè vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã phối hợp với các nhà trường và cơ quan chức năng, tổ chức lớp tập huấn kỹ năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học trực tuyến cho cán bộ, giáo viên các cấp học từ Mầm non đến THCS trên địa bàn thành phố.
Thực hiện sự chỉ đạo của ngành, nhiều trường trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số. Trường Tiểu học Lê Hồng Phong là một trong những đơn vị điển hình. Cô giáo Ngô Thị Lễ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: Cũng như các cơ sở giáo dục khác, năm học 2020-2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Có thời điểm, Trường đã phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Việc học trực tuyến gây ra nhiều khó khăn trong việc học tập của học sinh, kể cả việc chăm sóc của các bậc cha mẹ đối với học sinh. Trong khi đó, đa phần các giáo viên của nhà trường độ tuổi cao nên việc cập nhật công nghệ thông tin cũng không tránh khỏi "độ trễ" nhất định. Trước những khó khăn trên, với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", các thầy, cô giáo cùng học trò đã nỗ lực biến khó khăn thành cơ hội, từng bước thay đổi nhận thức trong phụ huynh về chuyển đổi số để cùng nhau thiết lập phương thức học tập mới. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã chủ động tham mưu các cấp chính quyền tăng cường trang thiết bị như: đường truyền Internet, camera, phòng máy tính thực hành, tivi, âm thanh, màn hình tương tác…, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Khi yêu cầu chuyển đổi số ngày càng cao, bản thân mỗi giáo viên cũng phải nỗ lực thay đổi để ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy. Cô giáo Tạ Thị Mai, Giáo viên chủ nhiệm lớp 4C- Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành, ban đầu không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn, song với quyết tâm chính trị cao và một niềm tin về hiệu quả từ sự thay đổi phương thức chuyển tải kiến thức mà chuyển đổi số mang lại, tôi cũng như các giáo viên của nhà trường đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi bằng nhiều cách khác nhau như: tích cực tham gia các lớp tập huấn trực tiếp, trực tuyến do nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức; tìm hiểu trên mạng Internet, học hỏi từ đồng nghiệp… Đặc biệt, tôi cùng các đồng nghiệp đã quan tâm đầu tư tài liệu, phương tiện dạy học, tự trang bị laptop giúp thuận lợi hơn cho việc ứng dụng công nghệ, tổ chức giảng dạy trong môi trường số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác chuyển đổi số. Tôi và các giáo viên đã tích cực nghiên cứu, soạn bài giảng điện tử, các ứng dụng trò chơi trực tuyến…, góp phần tạo hứng thú cho học sinh có thể dễ dàng tiếp thu bài giảng tốt hơn. Các giáo viên trong Trường cũng đã tích cực tham gia bổ sung kho giáo án điện tử, sẵn sàng chia sẻ các bài giảng. Đồng thời động viên các phụ huynh tích cực ứng dụng công nghệ, đầu tư các trang thiết bị để tham gia phối hợp cùng giáo viên trong việc quản lý học tập, rèn luyện của các con trên lớp cũng như ở nhà một cách tốt hơn.
Hiện nay, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đã hoàn thiện thu thập thông tin cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Giáo dục tỉnh Ninh Bình, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung với các phần mềm nghiệp vụ trong nhà trường như: quản lý học sinh, quản lý sức khỏe, y tế học đường, quản lý nhà trường, quản lý tài chính…; liên thông dữ liệu báo cáo lên cơ sở dữ liệu của ngành. Trường có phòng máy tính, phòng học 4.0; 100% lớp học và các phòng bộ môn, thư viện có tivi thông minh hoặc màn hình tương tác, có hệ thống camera bảo vệ và đường truyền mạng chạy tới các lớp, 100% giáo viên sử dụng máy tính xách tay lên lớp… Các giáo viên cũng đã sử dụng thành thạo văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ theo dõi đánh giá học sinh điện tử, giáo án điện tử. Các phụ huynh cũng đã quan tâm hơn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin để có thể phối hợp thật tốt với các giáo viên, tạo ra những tương tác trong không gian mạng để có thể quản lý việc học tập của con em mình được tốt hơn. Đây là những điều kiện thuận lợi để thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nhà trường.
"Có thể nói, chuyển đổi số trong nhà trường đã góp phần thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin vào dạy và học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong chuyển đổi số, giáo viên là yếu tố quyết định thành công. Vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu mỗi giáo viên cần có kỹ năng sử dụng công nghệ, phải chuyển đổi tư duy để tiếp cận tri thức và phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Mặt khác, tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo nhà trường phải thay đổi, cần trang bị kiến thức và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ"- Cô giáo Ngô Thị Lễ khẳng định.
Theo nhà giáo Đinh Quang Năm: Thực tiễn cho thấy, với sự linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo, ngành Giáo dục thành phố Tam Điệp đã hoàn thành nhiệm vụ kép vừa đảm bảo chương trình học năm học 2020-2021, vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Có thể thấy, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn. Để đạt mục đích, yêu cầu chuyển đổi số, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Điệp đã và đang tập trung tham mưu khắc phục một số khó khăn như: trang thiết bị ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ; việc thiếu giáo viên, nhân viên IT ở một số ít trường học… Bên cạnh đó, Phòng chỉ đạo các trường tập trung cao cho xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tại tất cả cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo, đồng bộ cơ sở dữ liệu lớn toàn ngành giáo dục tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới mô hình dịch vụ và phục vụ trên môi trường số. Tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số đối với người dạy, người học, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, Phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng kho dữ liệu giáo án điện tử, tiến tới khuyến khích giáo viên sử dụng video trực tuyến để dạy học, thực hiện tốt phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt nhất với chi phí thấp cho người dân trên địa bàn thành phố.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc