Ông Hà Quang Yên, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng hương Ninh Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Yên xa quê hương Gia Trung (Gia Viễn) cũng đã vài chục năm rồi. Các con, rồi cháu ông đều ra đời và trưởng thành ở miền đất mới này. Với ông, Gia Trung đã thực sự trở thành cố hương. Ông Yên là một đại tá công an về hưu. Từ ngày về hưu, ông dành phần lớn thời gian của mình để đi thăm và kết nối với những người đồng hương tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Yên nói: Mỗi người một hoàn cảnh, một lý do phải ly hương, song giờ đây sau nhiều năm phấn đấu, họ đã trở thành những người thành đạt trong mọi lĩnh vực. Và như bao mùa xuân đã qua, cái khoảnh khắc linh thiêng khi cận kề năm mới ấy là dịp những người con Ninh Bình xa quê lại tể tựu, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, những câu chuyện gắn với ký ức tuổi thơ ở miền quê nghèo năm xưa… trong trái tim, ai cũng thấy nghèn nghẹn. Ông Yên cho biết: Hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh có gần 300 doanh nghiệp và các cơ sở làm ăn của người Ninh Bình thuộc nhiều lĩnh vực. Mỗi doanh nghiệp gắn với một thương hiệu và là cả một câu chuyện dài về nghị lực, bản lĩnh, trí tuệ của người đứng đầu doanh nghiệp ấy. Đáng quý hơn cả đó là không chỉ làm rạng danh quê hương tại thành phố sôi động bậc nhất cả nước, những doanh nhân ấy còn thực sự là những người con hiếu thuận của đất mẹ Ninh Bình. Mỗi người một ý tưởng, một cách để thể hiện tình yêu đối với nơi chôn nhau cắt rốn của mình, song tựu chung đều có một khát khao, đó là được đóng góp, được cống hiến cho sự phát triển của quê hương. Nhằm chắp nối những tấm lòng ấy để tạo nên một "làn gió" diệu kỳ đóng góp cho quê hương, năm 1990, Hội đồng hương Ninh Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ra đời. Hàng chục năm hoạt động tích cực, Hội đồng hương Ninh Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh thực sự đã làm tốt vai trò đầu mối tập hợp, kết nối những người con Ninh Bình xa quê. Ngoài việc tổ chức các buổi gặp mặt thường niên và hoạt động tương thân, tương ái tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động hướng về quê hương, điển hình như giúp đỡ đồng bào Ninh Bình khắc phục hậu quả thiên tai và xây dựng các công trình tri ân với số tiền hàng chục tỷ đồng; tặng học bổng, tặng quà cho những học sinh nghèo hiếu học nhằm tiếp bước cho các em đến trường…
Cũng giống ông Hà Quang Yên, ông Đào Đức Tại sinh ra và lớn lên trên quê hương chiêm trũng Gia Trung-Gia Viễn là một đại tá công an về hưu. Ông vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp đến nay đã tròn 40 năm. Với ông, mảnh đất này đã mang lại cho ông nhiều thứ: gia đình, sự nghiệp. Song, ở cái tuổi bóng xế của cuộc đời, ông vẫn luôn khắc khoải nỗi nhớ về quê hương. Và như một thói quen, mỗi khi nhớ quê, ông lại lật giở những bức hình về quê hương Ninh Bình mà ông dày công sưu tầm, nâng niu như một báu vật. Mỗi khi có khách là người đồng hương tới thăm, hoặc những buổi sinh hoạt của hội đồng hương là ông Tại lại mang những bức hình ấy ra "khoe". Ông say sưa kể về nơi "chôn nhau cắt rốn" ấy và cảm thấy cay cay nơi khóe mắt.
Lớn lên giữa những ngày đất nước có chiến tranh, học xong cấp 3, tôi đã thi đỗ vào Đại học An ninh, trở thành học viên an ninh nhân dân giữa những ngày thủ đô Hà Nội mịt mù khói lửa chiến tranh phá hoại của "Thần sấm Mỹ". Ký ức một thời sinh viên là ký ức của không khí lao động sục sôi những ngày đầu miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ký ức của sự kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo và thấm đẫm tình người của quân và dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Qua những năm tháng giảng đường, cũng là lúc đất nước ca khúc khải hoàn chiến thắng, những hoài bão, những khát vọng, những ước mơ được cống hiến để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Tổ quốc đàng hoàng, tươi đẹp theo Di chúc của Bác Hồ… luôn tràn ngập trong trái tim và khối óc thế hệ chúng tôi - ông Tại xúc động kể.
Và ước mơ của ông đã trở thành hiện thực, khi người dân cả nước đang lo hàn gắn vết thương chiến tranh sau ngày non sông thống nhất, ông được cử vào nhận công tác ở ngay tại "thủ phủ" một thời của chế độ Ngụy quyền, trở thành người lính điều tra của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm hình sự Bộ Công an ở phía Nam. Ngót 40 năm gắn bó với thành phố mang tên Bác, ông Tại không thể nhớ hết mình đã tham gia bao nhiêu chuyên án, chỉ biết rằng, gần như các chuyên án lớn điều tra về tội phạm hình sự ở địa bàn phía Nam ông đều góp mặt. Đầu năm 2011, ông Tại được nghỉ hưu với cấp hàm đại tá, thương binh 4/4. Nghỉ hưu rồi, ông lại đồng hành cùng vợ, con trong việc kinh doanh của gia đình. Công ty của gia đình ông Tại giải quyết việc làm cho gần hai chục lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ có thu nhập ổn định. Lao động của công ty chủ yếu là con em quê hương Ninh Bình, nhiều em là sinh viên con nhà nghèo học giỏi được ông Tại nhận vào làm việc nhằm giúp các em có thu nhập để trang trải việc học tập nơi đất khách quê người…
Cứ thế, những câu chuyện từ ngày đầu rời xa quê hương để lăn lộn nơi đất khách được các hội viên kể lại khiến ai cũng thấy cay nơi khóe mắt. Buổi sinh hoạt cuối năm của Hội đồng hương Ninh Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh thật xúc động, linh thiêng. "Chúng tôi nhớ cái lạnh se sắt của đất trời, nhớ hơi ấm của bếp lửa bập bùng khi cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng chờ khắc giao thừa. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, cứ đến ngày giáp tết, anh em trong Hội đồng hương đều tất bật chuẩn bị một cái Tết cổ truyền mang đậm hương vị của miền Bắc. Bên cạnh gói bánh Tét, chúng tôi gói cả bánh chưng, làm giò thủ, canh măng để dâng tổ tiên. Như thế mình cũng thấy ấm lòng và hình ảnh quê hương đang thật gần.
Bài, ảnh: Hà Mi