Tính bà không hay tò mò chuyện của người khác kể cả chuyện của chồng con... Bà đã định cất đi cho ông. Nhưng lại muốn biết xem ông viết gì trong ấy, may ra có thể hiểu thêm điều gì về ông. Người thật thà, đơn giản như ông mà chả nhẽ cũng có chuyện riêng tư thầm kín ư!
Nghĩ vậy, bà liền cầm cuốn sổ ra ghế ngồi đọc. Bà thong thả lật xem từng trang. Bài nào ông viết cũng ngắn gọn, dễ đọc. Chỉ chừng hơn tiếng đồng hồ là bà đã xem xong cuốn nhật ký mỏng của ông. Gấp sổ lại bà thở dài đánh sượt. Nhật ký gì mà lạ. Không ghi việc này việc kia mà chỉ toàn chuyện nhớ nhớ thương thương. Người được ông viết trong sổ cũng không ghi rõ họ tên, mà ông chỉ viết tắt là N.T.H.L, bà chả đoán ra được. Lời viết thì thật thương cảm "Ngày... tháng... năm ...HL thương nhớ... Hôm nay sao bỗng lại nhớ mẹ con em đến thế! Đến nay rồi mà anh vẫn chưa được gặp em, chưa biết mặt con..." . "Ngày ... tháng... năm... HL thương nhớ... Bữa nọ cùng anh em cựu chiến binh đi thăm lại Trường Sơn, bọn anh có thăm lại chỗ đóng quân của Trạm quân y ngày ấy... Ôi, bao nhiêu là kỷ niệm cứ ùa sống dậy... cứ như mới hôm qua... Giá lúc này cũng có em..."... Đại loại chỉ như thế. Bà đoán chắc chắn đó là một chiến sỹ Trường Sơn. Hẳn hai người từng đã có một thời gắn bó thắm thiết. Chuyện này khi còn làm công tác trên Hội Phụ nữ huyện bà đã biết. Bà rất tôn trọng những tình cảm lứa đôi của những người đồng đội ở chiến trường, trong đạn bom, khói lửa. Bà cũng đã được dự đám cưới nhiều đôi cùng từ chiến trường ra... Thế đấy, yêu thương nhau suốt những năm tháng đạn bom, đến lúc hòa bình mới nên đôi nên lứa. Cũng có không ít đôi lứa phải xa nhau mãi mãi vì một trong hai người đã hy sinh. Có đôi lại còn cùng hy sinh cả. Thương lắm! Chắc ông ấy cũng vậy. Còn cụ thể thế nào thì bà chưa rõ. Mà sao ông ấy giữ kín thế. Bà chỉ hơi buồn và tự ái, như vậy là ông ấy cũng chưa tin mình. Ăn ở với nhau hơn ba mươi năm, có hai mặt con rồi còn lạ gì tính nhau. Vợ chồng từng tâm sự đủ điều mà sao chuyện này ông ấy giữ kín như hũ nút vậy. Hẳn có điều gì trắc ẩn...
Hôm sau bà đạp xe sang nhà ông Thặng ở xã bên ngay. Ông Thặng cùng đơn vị ở chiến trường với ông Dũng nhà bà. Đồng đội với nhau thì chuyện gì mà chẳng biết. Cứ hỏi chắc sẽ rõ...
Khi gặp ông Thặng hỏi chuyện thì ông Thặng tỏ ra hơi ngần ngừ ý như ngại nói. Ông mím môi vẻ suy nghĩ một chút rồi mới gật đầu thong thả:
- Là đồng đội, đồng hương chí cốt với nhau, tôi có lạ gì mọi chuyện của anh Dũng. Nhưng anh ấy dặn giữ kín, tôi đã giữ đến giờ... Nay cô đã xem được sổ nhật ký của anh ấy thì tôi cũng chả cần giấu diếm gì nữa. Rồi ông kể thật tỉ mỉ, đầy đủ cho bà Bảy nghe.
Ngày ấy trên đường vượt Trường Sơn vào chiến đấu, anh Dũng bị thương khá nặng trong một lần địch đánh phá cung đường. Anh phải vào điều trị ở một trạm Quân y binh trạm. Vào đây Dũng được y sỹ Lam - Nguyễn Thị Hồng Lam mà anh Dũng hay viết tắt là NTHL ấy, trực tiếp điều trị, chăm sóc. Khi biết là đồng hương, Lam càng tận tình với Dũng hơn. Trong một cánh rừng, suốt ngày hai người bên nhau, Lam đã dành tất cả tình thương cho Dũng. Có những đêm Dũng lên cơn sốt, Lam còn phải nằm chung võng với anh, truyền hơi ấm cho anh, cũng là để thường trực, nhỡ đêm còn có chuyện cần cấp cứu. Bữa bữa Lam ngồi ép anh từng thìa cháo, viên thuốc. Vài ngày cô lại cõng anh xuống suối tắm gội... Có máy bay đánh phá thì cô dìu anh xuống hầm... Có mấy lần cô còn lấy thân mình che chở mảnh đạn bom cho anh... Những kỷ niệm của cuộc sống người lính ở rừng đã dần dần đưa họ đến tình yêu. Đơn vị ai cũng biết, ai cũng khen đẹp đôi. Tuổi tác thì Lam cũng chỉ kém Dũng ba tuổi, cũng đẹp. Nhiều người còn giục nên báo cáo với đơn vị xin cưới luôn đi. ở Trường Sơn cũng đã có nhiều đôi lứa nên vợ nên chồng rồi. Thế mà cả hai người đều còn đắn đo, chần chừ. Một mặt người nào cũng còn ngại chuyện vợ bìu, con ríu sẽ ảnh hưởng đến công tác. Mặt khác Dũng cũng còn đang muốn ra mặt trận để được trực tiếp chiến đấu. Anh còn đang mong mỏi đợi chờ hễ có đơn vị nào vào qua là xin nhập đoàn luôn.
Cũng may cho Dũng, chỉ non tháng sau, có một đoàn hành quân vào, mà lại là một tiểu đoàn của tỉnh mình nên anh xin nhập, các thủ trưởng nhất trí luôn.
Hôm chia tay Dũng ra đi, Lam nói nhỏ với anh là đã có nghén rồi. Dũng mừng lắm, nhưng anh vẫn quyết tâm ra đi. Anh chỉ thương cho Lam ở lại sẽ sinh đẻ, nuôi con trong cảnh đạn bom thì gian nan, vất vả lắm. Lam bảo anh cứ yên tâm, còn có chị em, có đơn vị.
Đơn vị Dũng vào thẳng tận miền Tây Nam Bộ. Từ đấy họ bặt tin nhau.
Sau ngày giải phóng, Dũng về tìm đến quê Lam, cách quê Dũng hơn ba mươi cây số ở một huyện miền núi phía Bắc tỉnh. Bố mẹ Lam đã qua đời khi Lam còn trong Trường Sơn. Lam có một chị gái lấy chồng xa. Các bác, các chú cho biết Lam vẫn chưa có tin tức gì về. Thế là Dũng vẫn chưa gặp được Lam. Trong khi đó thì vừa về được một tuần, bố mẹ đã giục Dũng lấy vợ. Đó là một cô gái cùng xóm, kém Dũng năm tuổi, là bà Bảy bây giờ. Hồi Dũng đi bộ đội thì Bảy còn là một cô học sinh cấp ba. Một cô gái tầm thước, xinh xắn, nết na có tiếng là chăm ngoan, tháo vát ở làng. Bảy cũng hay sang nhà chơi với em gái Dũng luôn. Bố mẹ Dũng ưng Bảy lắm. Trong thâm tâm ai cũng muốn có một cô con dâu như vậy, nhưng chưa nói ra. Bảy học xong phổ thông thì ở nhà, tham gia công tác Hội Phụ nữ xã, rồi được lên công tác ở Hội Phụ nữ huyện đến ngày nghỉ hưu. Dũng rất quý Bảy. Hôm Dũng ba lô lên đường, Bảy còn đi theo tiễn chân anh đến tận nơi tập trung, ai cũng cứ tưởng là người yêu đi tiễn... Nhưng, mặc dù bố mẹ chuẩn bị cưới vợ cho như vậy mà Dũng vẫn còn chần chừ, có ý còn phải đi tìm Lam. Nếu biết Lam ở đâu thì dù có phải vượt núi, băng đèo anh cũng quyết tìm cho được. Không biết mẹ con Lam ở đâu mà bặt vô âm tín thế. Đồng đội thì bao nhiêu người còn sống đã về, người hy sinh cũng đều có báo tử cả... Vợ đã thế, còn con nữa. Nhiều đêm Dũng đã thao thức suốt chỉ nghĩ thương vợ, nhớ con...
Bố mẹ và chú bác, anh em thì liên tục thúc Dũng. Bố Dũng còn nhờ ông chú đi xem ngày giờ và chuẩn bị thiếp mời, chẳng chờ ý kiến của Dũng.
Còn Lam, sau ngày chia tay Dũng ở Trường Sơn, cô sinh được một bé gái, rất xinh xắn, bụ bẫm. Vừa nuôi con, vừa công tác, được chị em đùm bọc, đỡ đần, mẹ con cô đã vượt qua tất cả. Cuối năm 1974, trong một lần địch đánh ác liệt tuyến đường, Lam đã bị thương khá nặng. Lam được điều trị tạm thời ở binh trạm rồi ra Quảng Bình điều trị, an dưỡng tiếp. Về Quảng Bình, Lam có tìm đến thăm bà mẹ của một cô bạn chí cốt cùng đơn vị, đã hy sinh. Cô ấy có một mẹ già trên bảy mươi tuổi, sức yếu. Bà cụ có hai người con đều hy sinh ở mặt trận phía Nam. Còn một người con gái lấy chồng huyện bên, nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn, ít có điều kiện về chăm sóc mẹ được. Bà cụ sống một mình trông vào sự chăm nom, đùm bọc của bà con lối xóm và các đoàn thể. Thế là sau khi sức khỏe hồi phục mẹ con Lam đến ở với cụ, nhận cụ là mẹ, thay bạn chăm sóc cụ. Cũng đã có một lần mẹ con Lam về thăm quê. Lam cũng đã định bế con đi tìm Dũng. Nhưng biết tin Dũng đã có gia đình. Lam lại nhanh chóng bế con về với bà mẹ Quảng Bình, nhất định không cho Dũng biết tin mình nữa. Lam sợ ảnh hưởng đến sự êm ấm của hạnh phúc gia đình Dũng. Lại một lần Lam chịu đựng hy sinh.
Mãi đến khi bà mẹ Quảng Bình mất, Lam mới bế con về quê sinh sống. Lam được bà con xóm làng và Hợp tác xã dựng lại cho một ngôi nhà tranh, vách đất trên mảnh đất của cha mẹ. Hoàn cảnh cũng còn khó khăn. Một mình nuôi con. Cô nhận hai sào ruộng cấy và nuôi thêm con lợn, đàn gà, chăm sóc vườn rau để có thêm đồng ra đồng vào, nuôi con ăn học. Sức cô lại đã yếu, bệnh sốt rét Trường Sơn còn tái phát luôn...
Sau ngày mẹ con Lam về quê ở, Dũng cũng đã có mấy lần lên thăm. Thấy hoàn cảnh của vợ con như vậy mà Dũng cũng chẳng biết phải làm sao được. Có chăng cũng chỉ đưa cho mẹ con Lam ít tiền mọn anh dành dụm được. Thương cũng là thương vậy. Đến con cũng chẳng dám công khai, đưa nó về... Nhiều đêm Dũng đã dằn vặt tự trách mình bất lực...
ấy là nhiều lần gặp nhau, ông Dũng kể với ông Thặng như thế, nhưng vẫn dặn phải giữ kín cho ông.
Bà Bảy rất chăm chú nghe ông Thặng kể về Lam, người vợ trước chưa thành hôn của chồng. Bà Bảy nghe và suy nghĩ, thực sự như một người có trách nhiệm. Nghe xong, bà nhíu mắt, suy tư và cũng thật nghẹn ngào nói với ông Thặng:
- Anh Thặng à... vậy là chị ấy cũng là người rất tốt... Khi xem xong cuốn nhật ký, em thương chị ấy lắm. Một chiến sỹ Trường Sơn, một người mẹ một mình lận đận nuôi con trong cảnh bom đạn, khi hòa bình lại không được sum vầy với người yêu thương... Bây giờ lại mới hay chị ấy lại đã từng thay bạn chăm sóc mẹ bạn bao năm. Thật là quý hóa... Chỉ tiếc một điều cho ông Dũng nhà em là không có được hạnh phúc trọn vẹn với một người đáng yêu như vậy... Giá như...
- Giá như sao cơ?
- Giá như ngày xưa, còn chế độ năm thê, bảy thiếp thì nhất định em sẽ mời chị ấy về cùng chung sống với vợ chồng em...
Ngập ngừng một chút, bà Bảy nói tiếp:
- Thôi... giờ em tính thế này... anh xem có được không nhá?
- Cô tính sao?
- Là.. là... em tính thế này... Ngày mai... ngay ngày mai... em nhờ anh đèo xe máy cho em lên thăm chị ấy. Em không ghen đâu... Mà em muốn gặp xem hoàn cảnh của chị ấy bây giờ thế nào. Em cũng có dành dụm được ít vốn liếng. Nếu cần em sẽ giúp mẹ con chị ấy xây lại căn nhà cho tươm tất, vững trãi. Hoặc có thể hỗ trợ cho chị ấy ít vốn đầu tư vào làm một việc gì đó. Hoặc nếu chị ấy cần việc làm, em cũng sẽ giúp được. Ví như vào làm ở Công ty may mặc của Hội Phụ nữ huyện chúng em. Đấy là công ty chuyên ưu tiên cho các nữ chiến sỹ từ chiến trường trở về và con em liệt sỹ, thương binh, cựu chiến binh mà..., ở đấy có nhiều việc chắc sẽ phù hợp với chị ấy... Lại chỉ tiếc, giá sớm chút nữa thì hay quá, chứ bây giờ chị ấy đã có tuổi rồi... chả biết chị ấy có muốn không...
Ông Thặng nhìn bà Bảy tỏ ra rất xúc động:
- Ôi... Thế thì hay quá... Không ngờ cô lại có những dự tính tuyệt vời đến thế... Cô quả là một người rộng lòng, nhân hậu...
Bà Bảy ngắt lời ông Thặng:
- Chỉ tiếc chuyện này giá anh ấy cho em biết sớm... thì chắc chắn em sẽ giúp cho chị ấy được nhiều việc rồi...
Ông Thặng trầm ngâm rồi nhìn bà Bảy gật gật đầu nói tiếp:
- Đây là chuyện của chồng... Lẽ ra anh Dũng phải lo... Thế mà cô... cô đã nghĩ lo thay hết cho anh ấy rồi. Chuyện cũng là hiếm đấy... Thôi được, mai nhá... Mai tôi sẽ bớt chút thời gian cùng đi với cô lên thăm mẹ con chị ấy... Quê chị ấy tôi biết rồi... Nhân tiện tôi lên thăm một bạn cùng đơn vị cũ ở đấy luôn thể... Chắc chị ấy sẽ bất ngờ và vui lắm đấy... Còn anh Dũng thì vài bữa nữa ra viện về hẳn cũng sẽ phục vợ sát đất... Đúng là một cán bộ Phụ nữ có khác...Hì! Hì!...
Bà Bảy vui hẳn lên. Đôi mắt bà rưng rưng. Có lẽ bà vừa vui trước một dự định tốt đẹp với người yêu trước của chồng, lại vừa vui gặp được một người đồng đội nhiệt tình, hết lòng với bạn đến thế.
Truyện ngắn của Thanh Thản