Ông Bùi Văn Kỳ ở thôn Yên Ninh, xã Yên Quang (huyện Nho Quan) làm nghề sửa chữa ti vi từ nhiều năm nay. Sau khi xã mở lớp dạy nghề điện dân dụng vào cuối năm 2012, ông Kỳ là một trong những người đầu tiên trong xã đăng ký tham gia lớp học. Sau 3 tháng học nghề chăm chỉ, ông Kỳ đã có chứng chỉ sơ cấp nghề điện. Có trong tay nghề mới, ông Kỳ kết hợp luôn dịch vụ sửa chữa ti vi với sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng. Ông Kỳ cho biết, thu nhập từ cửa hàng giúp cho gia đình ông có cuộc sống rất ổn định.
Ông Quách Công Dụng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Quang cho biết, trước đây, thực hiện Đề án 1956 (Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn), ở địa phương cũng mở một số lớp học nghề như: trồng nấm, thêu ren xuất khẩu. Nhưng sau khi đào tạo, hầu hết người lao động không duy trì được nghề đã học. Vì những nghề này đòi hỏi phải có vốn và kỹ thuật tay nghề cao, đa số lao động địa phương không đáp ứng được.
Cuối năm 2012, được giao quyền chủ động trong thực hiện Đề án, ngoài việc lựa chọn được những nghề thực sự phù hợp với địa phương, chúng tôi còn chủ động được thời gian tổ chức lớp học vào thời điểm thích hợp với bà con, do đó đã thu hút sự quan tâm của lao động địa phương. Kết thúc khóa học nghề điện dân dụng, hầu hết các học viên đều có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân nên rất phấn khởi. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở lớp học trồng khoai sọ, trồng gấc xuất khẩu. Trồng khoai sọ không phải là mới đối với người dân Yên Quang, song chúng tôi muốn tổ chức lớp học để bà con nắm bắt được kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, đưa khoai sọ thực sự là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương. Còn đối với cây gấc xuất khẩu, chúng tôi đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Ngày 30-7 vừa qua, Trường Cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt-Xô tổ chức bế giảng lớp dạy nghề mộc dân dụng cho 35 học viên của Làng nghề mộc Sơn Hà, xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan). Ông Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện xây dựng Việt-Xô cho biết, tham gia lớp học này đều là những người thợ đã biết nghề, song họ rất ham học. Không chỉ bồi dưỡng kỹ năng nghề, chúng tôi còn trang bị cho họ những kiến thức trong việc tính toán nguyên, nhiên vật liệu, những hiểu biết về thị trường tiêu thụ sản phẩm, những kiến thức phòng, tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…Kết thúc khóa học, người lao động được cấp chứng chỉ học nghề. Với chứng chỉ này, họ sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng; được tham gia vào thị trường lao động có chất lượng. Đặc biệt, sau khi hoàn thành trình độ sơ cấp nghề, các học viên nếu có nhu cầu sẽ được nhà trường tiếp nhận để đào tạo lên bậc học trung cấp, cao đẳng nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng khó tính.
Ông Trần Xuân Đề, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết, thực hiện phân cấp quản lý, thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người lao động trên địa bàn huyện nắm được tầm quan trọng của công tác dạy nghề, hiểu được các chính sách về dạy nghề, nhất là chính sách ưu đãi cho người lao động trong dạy nghề nông thôn. Đồng thời, nắm được địa chỉ các cơ sở dạy nghề có uy tín và những cơ hội việc làm sau khi học nghề. Từ đó, người lao động sẽ căn cứ vào điều kiện của bản thân, đặc điểm của địa phương và ngành nghề truyền thống để họ chủ động lựa chọn nghề học. Từ đầu năm tới nay, toàn huyện Nho Quan đã tổ chức được 7 lớp dạy nghề cho 225 lao động nông thôn. Những nghề được đào tạo là: xây dựng dân dụng, mộc dân dụng, đính hạt cườm xuất khẩu…
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, từ cuối năm 2012, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được phân cấp quản lý. Cấp huyện lập kế hoạch, cấp xã thực hiện công tác dạy nghề. Kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh phân bổ về từng huyện, thành phố để trực tiếp tổ chức thực hiện theo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, cũng như nhu cầu của người học và người sử dụng lao động ở địa phương.
Riêng đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội do "đầu việc" giảm nên đơn vị có điều kiện để làm tốt hơn nữa chức năng giám sát về công tác đào tạo nghề.
Như vậy, cấp huyện và cấp xã đóng vai trò chủ chốt từ khâu khảo sát đối tượng học nghề, lên kế hoạch dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động. Gần một năm sau khi phân cấp quản lý, công tác dạy nghề tại các địa phương đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận. Hầu hết các địa phương đều nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Theo đó, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án ở mỗi địa phương đã nắm bắt chính xác số lượng lao động cần hỗ trợ học nghề và khảo sát chắc nhu cầu học nghề của người lao động. Từ đó, chủ động lên kế hoạch tổ chức lớp học phù hợp với thời gian biểu của người lao động. Những đơn vị tham gia dạy nghề cũng được tỉnh rà soát, thẩm định về năng lực dạy nghề, qua thẩm định, số cơ sở đủ điều kiện tham gia dạy nghề giảm từ trên 50 cơ sở, giảm xuống còn 24 cơ sở.
Những đơn vị dạy nghề có đơn hàng đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động ngay từ khi còn đang học nghề. Bởi thế, các học viên tham gia học nghề đều rất phấn khởi, chăm chỉ và linh hoạt ứng dụng nghề đã được học vào cuộc sống sau khi hoàn thành khóa học.
Được biết, đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh đã phân bổ 15 tỷ đồng kinh phí đào tạo nghề cho UBND các huyện, thành phố, thị xã và các hội, đoàn thể có trung tâm dạy nghề và 15 tỷ đồng cho Trường Trung cấp nghề Nho Quan và các Trung tâm dạy nghề cấp huyện xây dựng và mua sắm các thiết bị dạy nghề.
Nhờ đó, tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã đào tạo được 8.500 lao động, đạt trên 50% kế hoạch năm, phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm nay đạt trên 36%, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%.
Số lao động nông thôn sau khi học nghề đã chuyển sang làm các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2013 là 4.205 người.
Đào Hằng