Công ty TNHH giày ADORA Việt Nam (KCN Tam Điệp) có 100% vốn đầu tư nước ngoài với ngành nghề chính là sản xuất, gia công xuất khẩu giày dép thành phẩm và bán thành phẩm các loại vật tư, nguyên phụ liệu ngành giày dép. Năm nay là năm thứ 6 công ty bước vào hoạt động. Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng doanh thu và nâng cao đời sống cho người lao động, doanh nghiệp luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, Công ty tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho các vệ sinh viên nhằm chuyển tải những kiến thức về ATVSLĐ - PCCN đến tận người lao động. Nhờ đó, giúp người lao động có ý thức bảo vệ tính mạng, sức khỏe bản thân, những kỹ năng PCCN để chủ động ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Cùng với đó, Công ty tích cực cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động như: lắp quạt thông gió, hút bụi, giảm nguồn gây ồn, định kỳ bảo dưỡng máy… Những cải thiện nhỏ này đã góp phần tạo nên môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Công tác khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng được tiến hành mỗi năm 2 lần, qua đó, dựa vào kết quả khám bệnh mà có sự phân công công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động. Với những hoạt động tích cực này, nhiều năm qua, Công ty không để xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào. Được biết, những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta ngày càng có nhiều đơn vị quan tâm đến công tác ATVSLĐ-PCCN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Hoàng Văn Trung, Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sự thay đổi về nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ ở tỉnh ta những năm qua. Thể hiện rõ nhất đó là việc các đơn vị đã chủ động phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành trong việc thanh, kiểm tra công tác đảm bảo ATVSLĐ tại đơn vị thay vì trốn tránh hoặc làm đối phó như trước đây. Thậm chí, nhiều đơn vị còn coi những đợt kiểm tra liên ngành là cơ hội để họ hoàn thiện hơn công tác đảm bảo ATVSLĐ ở đơn vị mình một cách chuẩn chỉ nhất. Thông qua các đợt thanh, kiểm tra an toàn lao động, đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung vào các nội dung như: Kiểm tra về các biện pháp kỹ thuật an toàn và phòng, chống cháy nổ; các biện pháp về kỹ thuật ATVSLĐ, phòng, chống độc hại và công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động; kiểm tra việc tổ chức đăng ký, kiểm định máy móc, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, tai nạn lao động và PCCN; công tác tuyên truyền huấn luyện về ATVSLĐ - PCCN… Qua kiểm tra thực tế, cơ bản các đơn vị, doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc và quan tâm đến công tác an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ. Một số tồn tại thường gặp ở những năm trước như: vệ sinh tại nơi làm việc chưa đảm bảo, một số trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy đã hư hỏng; người lao động của một số doanh nghiệp vẫn chưa được tập huấn về công tác ATVSLĐ - PCCN… đã dần được khắc phục. Đối với những đơn vị tái phạm nhiều lần, đoàn kiểm tra đã có các biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời, do vậy mà hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra được nâng lên. Năm 2015, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đưa ra hơn 500 kiến nghị, trong đó lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 14 đơn vị (phạt tiền 8 đơn vị với tổng số tiền gần 200 triệu đồng, cảnh cáo 5 đơn vị).
Với những hoạt động tích cực, đồng bộ trên, năm 2015 trên địa bàn tỉnh số vụ tai nạn lao động, số người chết và bị thương do tai nạn lao động giảm đáng kể. Theo ông Hoàng Văn Trung, Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì trong tổng số trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với đặc thù là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hầu hết các đơn vị mới chỉ chú trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ chưa chú trọng nhiều đến công tác an toàn trong sản xuất. Bởi vậy, những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thường xảy ra ở những đơn vị này. Với thực tế đó, trong năm 2016 này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành công tác thanh, kiểm tra an toàn lao động, tập trung nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động. Trên cơ sở đó, hướng dẫn họ thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trong lao động cho người lao động một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, để đưa được văn hóa an toàn lao động vào được trong các doanh nghiệp thì rất cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Trước hết, cần đẩy mạnh trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và mở rộng phạm vi tham gia của các đối tác xã hội khác với nhiều phương thức, hình thức và mô hình linh hoạt để chia sẻ trách nhiệm xã hội trong việc thực hiện các chính sách về ATVSLĐ trong doanh nghiệp.
Thu Hằng