Theo báo cáo của ngành chức năng, trong năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 41 vụ tai nạn lao động làm 6 người chết và 4 người bị thương nặng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. So với những năm trước, năm 2015 số vụ tai nạn lao động giảm cả về số vụ và số người chết. Ông Phạm Ngọc Phúc, Trưởng phòng Lao động tiền lương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền về công tác ATVSLĐ với hàng trăm tin, bài, phóng sự phản ánh về những doanh nghiệp điển hình làm tốt và những doanh nghiệp vi phạm về công tác ATVSLĐ. Bên cạnh đó, còn tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ để người lao động, người dân nắm bắt được các quy định của Nhà nước về công tác này; cấp phát miễn phí hàng chục nghìn các loại tranh, tờ rơi, băng đĩa… hướng dẫn, cảnh báo về nguy cơ mất ATVSLĐ và hàng trăm đầu sách, sổ tay hướng dẫn về công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp. Nhiều chính sách, pháp luật về ATVSLĐ được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội đã được các cơ quan chức năng triển khai đến tất cả địa phương, doanh nghiệp và người lao động thông qua các hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập huấn, phổ biến pháp luật lao động; phát tài liệu, sách báo…
Cùng với đó, công tác thanh, kiểm tra an toàn lao động trong các doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng. Việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng liên ngành, liên cơ quan được đẩy mạnh, qua đó nâng cao hiệu quả kiểm tra, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các đơn vị. Bên cạnh đó, các đoàn cũng đã tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý đối với những vị trí sản xuất không đảm bảo an toàn tại các đơn vị. Tính riêng trong tuần lễ ATVSLĐ, các sở, ban, ngành đã phối hợp thanh tra, kiểm tra các chuyên đề ATVSLĐ trong khai thác mỏ, quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, an toàn điện, bảo vệ an toàn môi trường… tại 10 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện gần 100 vi phạm, trong đó chủ yếu là các lỗi như: không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, không tổ chức, hoặc tổ chức khám sức khỏe không đầy đủ số người lao động, không tổ chức hoặc tổ chức khám bệnh nghề nghiệp không đầy đủ số người lao động, không tổ chức đo, kiểm định môi trường lao động hàng năm... Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiến nghị, tư vấn cho các đơn vị các giải pháp nhằm khắc phục, xử lý các vi phạm trong công tác ATVSLĐ tại đơn vị. Các đơn vị có nguy cơ mất an toàn. Cùng với đó, Công an tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại 500 cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ. Qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị các cơ sở khắc phục thiếu sót, sơ hở không đảm bảo an toàn PCCC. Công an tỉnh cũng đã tổ chức 97 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng cơ sở với 2.100 lượt người tham dự, tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại chợ Rồng Ninh Bình…Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm của cán bộ quản lý, của người lao động trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ, góp phần hạn chế nguy cơ mất an toàn lao động, tai nạn lao động trong doanh nghiệp.
Công tác quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được các doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ hơn. Việc kiểm định, khai báo, đăng ký thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đều tăng. Từ đầu năm tới nay, có gần 500 cuộc tự kiểm tra công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp, nội dung kiểm tra bao gồm máy móc thiết bị, nhà xưởng và việc chấp hành các quy trình, quy phạm, biện pháp làm việc ATVSLĐ. Các doanh nghiệp đã từng bước quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước đã chủ động hơn trong việc tổ chức các lớp tập huấn ATVSLĐ cho người lao động, duy trì việc tuyên truyền kiến thức về ATVSLĐ thông qua "góc an toàn", "phòng truyền thông về an toàn", các bản tin, truyền thanh nội bộ về ATVSLĐ. Hàng năm, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch ATVSLĐ cùng với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, một số doanh nghiệp đã chú trọng ứng dụng các công nghệ mới, chăm lo sức khỏe cho công nhân, tăng cường trang bị thiết bị bảo hộ lao động. Chế độ, chính sách về ATVSLĐ đối với người lao động đang ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư đúng mức như trang bị cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện đúng thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi chức năng lao động...
Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ-PCCN trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tồn tại. Số doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ, chính sách với người lao động chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp FDI hoặc các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thường xuyên về ATVSLĐ. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực làng nghề vẫn còn chưa quan tâm nhiều đến ATVSLĐ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ vẫn còn mang tính hình thức và chưa thực sự sâu rộng... Để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trong năm 2016, Ban chỉ đạo ATVSLĐ - PCCN tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề, đồng thời tăng cường sự phối hợp với các ngành trong việc triển khai, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ.
Thu Hằng