Để thực hiện tốt nội dung Chương trình phối hợp, Bộ KH&CN sẽ cung cấp định hướng, kế hoạch Quốc gia giai đoạn 2011-2015 để làm căn cứ xây dựng đề án, kế hoạch và nhiệm vụ cho địa phương. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành đề xuất nội dung và xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ hàng năm; UBND tỉnh sẽ bố trí kinh phí theo thẩm quyền để thực hiện các nội dung của chương trình phối hợp. Thực hiện Chương trình phối hợp, kế thừa các hoạt động của những năm trước đây, năm 2013, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được triển khai tương đối toàn diện, trên nhiều lĩnh vực.
Các đề tài độc lập cấp Nhà nước, dự án nông thôn, miền núi, dự án hỗ trợ phát triển trí tuệ, chương trình bảo tồn và phát triển quỹ gen, đề tài cấp tỉnh, cấp huyện, cấp ngành được triển khai thực hiện hiệu quả. Về đề tài độc lập cấp Nhà nước, Bộ KH&CN phê duyệt cho Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung thực hiện với 4 dự án triển khai trong năm 2013 là: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo chân vịt cho tàu thủy 6.000-7.000 DWT bằng thép không rỉ; hoàn thiện thiết kế, chế tạo thiết bị và công nghệ thi công cọc nhồi tạo lỗ bằng phương pháp ép tĩnh; nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm hệ thống phát điện sử dụng năng lượng sóng biển công suất tối thiểu 500 kW; nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống cổng trục container làm việc trên cảng nổi. Ngoài ra, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung còn đề xuất cho triển khai đề tài nghiên cứu phát triển công nghệ, chế tạo và khai thác cảng nổi nước sâu đa năng.
Đối với các dự án nông thôn miền núi, Sở KH&CN đã tham mưu, đề nghị và được Bộ phê duyệt cho triển khai 3 dự án: Xây dựng mô hình cấp nước hợp vệ sinh bằng nguồn nước ngầm cho các xã Kỳ Phú, Phú Long (Nho Quan); dự án nuôi thương phẩm cá Đối Mục tại xã Kim Đông (Kim Sơn); dự án nuôi Hươu sao sinh sản tại xã Cúc Phương (Nho Quan) với tổng kinh phí hỗ trợ từ Trung ương gần 6,3 tỷ đồng.
Sở KH&CN cũng tham mưu cho UBND tỉnh và đề xuất với Bộ bổ sung 2 dự án thực hiện trong năm 2014 là: Xây dựng trại giống và hoàn thiện quy trình sinh sản, nuôi thương phẩm dê núi Ninh Bình; sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng.
Các dự án thuộc chương trình hỗ trợ trí tuệ đã đề nghị Bộ phê duyệt; chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dê núi Ninh Bình, dứa Đồng Giao, cói Kim Sơn, đá Ninh Vân, đào phai Tam Điệp, rượu Kim Sơn, cá Tràu tiến vua, mắm tép Gia Viễn, nem chua Yên Mạc, ngao Kim Sơn, khoai lang Hoàng Long, khoai sọ Yên Quang.
Đối với các đề tài, dự án cấp tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt gần 50 đề tài, dự án và hỗ trợ cụ thể cho 9 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 8 đề tài thuộc lĩnh vực công nghiệp, 11 đề tài thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn, 4 đề tài thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, 1 đề tài điều tra cơ bản... Sở đã tổ chức thẩm định 13 đề tài, dự án thực hiện trong 2 năm 2013-2014 và tổ chức nghiệm thu, đánh giá 41, đề tài dự án, trong đó có: 19 đề tài loại A, 21 đề tài loại B, 4 đề tài, dự án được gia hạn thời gian thực hiện. UBND các huyện, thành phố, thị xã đã xét duyệt cho triển khai thực hiện 33 đề tài, dự án với nội dung chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: giống cây trồng, vật nuôi; tổ chức lại sản xuất; xử lý phụ phẩm nông nghiệp; bảo vệ môi trường…
Nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tích cực thực hiện các đề tài, dự án cấp sở, ngành, điển hình là Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hoa Lư, ngành Y tế… Các hoạt động: Quản lý công nghệ; quản lý tiêu chuẩn và đo lường chất lượng; thanh tra, kiểm tra; thông tin, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, hạt nhân… được duy trì và tăng cường. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được các sở, ngành và địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Trong năm 2013, toàn tỉnh có 2.835 sáng kiến được công nhận và áp dụng. Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh đã lựa chọn và đề nghị UBND tỉnh công nhận và khen thưởng cho 28 sáng kiến cấp tỉnh, trong đó có 1 sáng kiến của Sở Giao thông-Vận tải, 5 sáng kiến của Sở Y tế, 12 sáng kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo, 3 sáng kiến của thành phố Ninh Bình, 2 sáng kiến của huyện Hoa Lư, 1 sáng kiến của Yên Khánh, 1 sáng kiến của Kim Sơn, 1 sáng kiến của thị xã Tam Điệp và 2 sáng kiến của Trường Cao đẳng Cơ điện, xây dựng Việt-Xô.
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Sở KH&CN: Thời gian qua, một số công việc triển khai còn chậm, hoạt động đo lường thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu; dự án, đề tài nhiều, quy mô nghiên cứu hẹp và nhỏ, kinh phí thấp…
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của Sở là: Tham mưu ban hành cơ chế, chính sách nhằm đổi mới toàn bộ và đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN. Xây dựng định hướng, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cho từng năm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; tham mưu cho Hội đồng KH&CN tỉnh xét duyệt danh mục đề tài chặt chẽ tránh dàn trải và kiên quyết loại bỏ những đề tài sao chép, trùng lắp; củng cố và nâng cao chất lượng các hội khoa học chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng tư vấn, phản biện.
Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tăng cường công tác quản lý sở hữu trí tuệ. Thực hiện tốt công tác đánh giá chuyển giao công nghệ về quản lý an toàn bức xạ, hạt nhân. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở mỗi địa phương, trong từng cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp...
Sau 3 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh, hoạt động quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội… và có thể coi là những "bông hoa" đẹp dâng lên ngày KH&CN Việt Nam (18-5-2014).
Đinh Chúc