Toàn tỉnh hiện có 7 khu công nghiệp, hơn 800 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, nhiều điểm bán lẻ xăng dầu, hơn 400 cơ sở kinh doanh khí đốt hóa lỏng, nhiều chợ buôn bán, nhà cao tầng... Đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Để nâng cao công tác PCCC, ngành Công an đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác PCCC và triển khai các biện pháp cụ thể, thiết thực, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền về PCCC; xây dựng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC.
Đặc biệt, qua hơn 10 năm (2001-2012) thực hiện Luật PCCC, công tác PCCC đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn tỉnh đã tổ chức 448 lượt tuyên truyền lưu động, 76 buổi tuyên truyền miệng với 8.936 lượt người tham gia; kẻ vẽ 1.097 băng zôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về PCCC; tổ chức cho 11.235 lượt cơ sở và nhân dân ký cam kết về đảm bảo PCCC; mở hội thi tìm hiểu Luật PCCC; tổ chức 420 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng với 13.661 người tham gia, nâng cao nhận thức về PCCC cho nhân dân.
Công tác xây dựng lực lượng PCCC dân phòng, cơ sở và chuyên ngành được quan tâm đúng mức. Đến nay, toàn tỉnh có 135 đội PCCC dân phòng với gần 2.000 người tham gia, 349 đội PCCC cơ sở với 10.522 người. Tại 18 xã có rừng đã thành lập được đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCC rừng với biên chế mỗi đội từ 10-12 người.
Trong những năm qua, các đội PCCC chuyên ngành và cơ sở đã tham gia cứu chữa, dập tắt hầu hết số vụ cháy, không để phát sinh thành đám cháy lớn, giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Công tác xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn được tăng cường. Đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC có hơn 70 cán bộ, chiến sỹ được đào tạo cơ bản về PCCC, luôn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tập luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ.
Lực lượng PCCC đã được đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác chữa cháy, đảm bảo thường trực sẵn sàng 24/24 giờ trong ngày; khi có cháy xảy ra nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ, dập tắt kịp thời nhiều vụ cháy ngay từ ban đầu, không để phát sinh thành các đám cháy lớn.
Bên cạnh đó, công tác thẩm duyệt PCCC được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Qua thẩm duyệt PCCC đã chỉ ra được nhiều hạn chế trong công tác quy hoạch, thiết kế các dự án, công trình. Đã có 225 dự án, công trình, hạng mục được thực hiện thẩm duyệt về PCCC. Đây là bước quan trọng trong việc thực hiện công tác PCCC ở các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Công tác kiểm tra an toàn PCCC và xử lý vi phạm về PCCC được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra gần 12.000 lượt tại các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ.
Qua kiểm tra đã phát hiện và hướng dẫn khắc phục gần 6.000 thiếu sót, sơ hở có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy, nổ và kiến nghị lãnh đạo các cơ sở có giải pháp tốt hơn cho công tác PCCC; lập hơn 100 biên bản vi phạm các quy định về PCCC; cảnh cáo 88 trường hợp; phạt tiền 31 trường hợp với tổng số tiền gần 30 triệu đồng.
Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật PCCC, lực lượng PCCC đã tiếp nhận 235 thông tin báo cháy, huy động cán bộ, chiến sỹ trực tiếp chữa cháy hơn 100 vụ, trong đó nhiều vụ nếu không dập tắt kịp thời sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như các vụ: cháy rừng núi đá khu vực tổng kho B -01, phường Nam Sơn (thị xã Tam Điệp) nơi có kho chứa nhiều vật liệu nổ công nghiệp; vụ cháy công trường thi công nhà khí hóa thuộc dự án Nhà máy đạm Ninh Bình (Khu công nghiệp Khánh Phú) và gần đây là vụ cháy tại Công ty TNHH giày ADORA tại phường Nam Sơn.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều địa phương đã xây dựng được thế trận toàn dân trong công tác PCCC. ý thức PCCC của cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày càng nâng cao. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng PCCC, góp phần phát triển KT- XH bền vững.
Trần Dũng