Thuận lợi của tỉnh trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về Dân số-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015, công tác Dân số-KHHGĐ của tỉnh được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực trong việc thực hiện chương trình Dân số-KHHGĐ; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số, cán bộ y tế các cấp... nên các mục tiêu của chương trình và các đề án được triển khai đồng bộ có hiệu quả. Đặc biệt, công tác truyền thông, giáo dục được xác định là giải pháp hàng đầu. Các hoạt động truyền thông đã được triển khai thường xuyên tại các cấp với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên các hoạt động truyền thông tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đông dân có mức sinh cao, vùng ven biển, công nhân trong các khu công nghiệp, địa bàn có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao. Công tác đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ được thực hiện đầy đủ, hệ thống dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ không ngừng được củng cố và phát triển, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đáp ứng kịp thời, an toàn và thuận tiện, có chất lượng cho mọi người dân có nhu cầu sử dụng, tăng tỷ lệ đối tượng sử dụng các BPTT trong toàn tỉnh lên 77,93%. Hàng năm, kết quả thực hiện trong 2 đợt cao điểm dịch vụ đã hoàn thành từ 60% đến 70% biện pháp tránh thai lâm sàng. Trong 5 năm, tổng các BPTT lâm sàng đã thực hiện được 70.351 ca và 33.036 ca sử dụng các BPTT phi lâm sàng.
Thành công nổi bật của tỉnh trong công tác Dân số-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 là đã thực hiện triển khai có hiệu quả các chương trình nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn cung cấp thông tin, kiến thức về các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho các tầng lớp nhân dân được thực hiện thường xuyên, liên tục, như Đề án "sàng lọc trước sinh và sơ sinh" được triển khai tại 145 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân" triển khai ở 73 xã, phường, thị trấn; Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 114 xã của 8 huyện, thành phố, Đề án "Chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng" tại 6 xã của 6 huyện và 27/27 xã vùng biển, ven biển của huyện Kim Sơn triển khai Đề án "Kiểm soát dân số vùng biển, ven biển"… đã góp phần nâng cao nhận thức và hành vi chăm sóc SKSS của nhân dân trong tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số và kiềm chế tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh. Ước năm 2015, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt trên 70%, tăng 35% so với năm 2012. Ninh Bình là một trong những tỉnh đạt mức sinh thay thế sớm trong cả nước và được duy trì đến nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Dân số-KHHGĐ tỉnh còn những tồn tại, khó khăn như số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng, cơ cấu dân số đang chuyển dần từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số già; mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng. Kết quả giảm sinh chưa đồng bộ, toàn tỉnh đạt mức sinh thay thế, song có địa phương tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vùng ven biển, còn trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Để đạt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh duy trì mức sinh thấp hợp lý với tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các BPTT hiện đại đạt 78-79%, tỷ lệ tăng dân số 1%/năm; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh hàng năm đạt 75%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 50%; chủ động khống chế tỷ số giới tính khi sinh để đến năm 2020 tỷ số giới tính khi sinh không quá 115 trẻ nam/100 trẻ nữ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ tỉnh chú trọng các giải pháp chính: Tiếp tục quán triệt tinh thần các nghị quyết của Đảng, chương trình hành động, chỉ thị, quyết định của Chính phủ, của Bộ Y tế và của tỉnh về công tác Dân số-KHHGĐ đến cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nhằm tăng cường sự chỉ đạo đối với công tác Dân số-KHHGĐ. Ưu tiên chương trình, dự án cho vùng trọng điểm, vùng khó khăn, vùng ven biển nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và nâng cao chất lượng dân số.
Bài, ảnh: Hồng Vân