Thầy giáo Quách Bá Tải và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Nguyễn Sáng Vang ôn lại kỷ niệm tình thầy - trò khi ở Bản Khiểng, xã Lăng Can Nà Hang (nay thuộc huyện Lâm Bình) tỉnh Tuyên Quang.
Trên đường về thăm gia đình thầy giáo cũ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sáng Vang tâm sự với mọi người trong đoàn, ai đã được học thầy thì khó quên được tình cảm của thầy dành cho những học trò của mình. Thầy Tải đã không chỉ dạy chữ mà còn dạy chúng tôi nói tiếng phổ thông, dạy chí hướng học tập để nỗ lực vươn lên cuộc sống nhằm khuất phục cái nghèo.
Niềm tin của thầy đã truyền sang chúng tôi-những đứa học trò nghèo quanh năm đói rét nhưng luôn chứa chan ước mơ và hoài bão. Những lời dạy dỗ của thầy đã theo tôi trong suốt những tháng năm dài để tôi không ngừng phấn đấu và được trưởng thành như ngày hôm nay. Câu chuyện tạm dừng khi chúng tôi đến thôn Hiền Quang, vào thăm thầy giáo dạy lớp 1 của mấy chục năm về trước.
Vừa nhìn thấy thầy, vị lãnh đạo cấp cao của tỉnh Tuyên Quang đã cúi đầu, em chào thầy ạ. Thầy Quách Bá Tải xúc động không nói được gì, chỉ dang tay ôm chặt người học trò cũ của mình bịn rịn hồi lâu rồi mời mọi người vào nhà. Tình cảm thầy-trò lâu ngày gặp lại, những kỷ niệm xưa ùa về.
Đồng chí Nguyễn Sáng Vang xúc động cho biết: Là con em của đồng bào vùng cao, ngày ấy được đi học đã là niềm vui và hạnh phúc lắm rồi, nên chúng tôi háo hức lắm. Nhưng đến lớp rồi không khỏi bất ngờ, hẫng hụt, vì thầy và trò không biết và không hiểu tiếng nói của nhau.
Tuy trò không biết tiếng người Kinh, thầy không biết tiếng đồng bào dân tộc Tày, nhưng cả thầy và trò ban đầu như đã có với nhau tình cảm gắn bó trìu mến bằng những ánh mắt động viên, những cử chỉ thể hiện lòng quyết tâm. Sự bất đồng ngôn ngữ cũng phải mất một thời gian dài cả hai cùng học tiếng của nhau rồi mới bước vào chương trình học kiến thức lớp 1.
Thầy Quách Bá Tải bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa ấy, rồi nói với mọi người: Tuổi trẻ thường nhiều hoài bão, nơi nào được Đảng và Nhà nước phân công là chúng tôi đi. Tôi đến công tác ở Tuyên Quang ngày ấy, ấn tượng khó quên khi bước vào lớp học là thấy đa số học trò khá lớn, cao, to gần bằng thầy nhưng lại rất khó giao lưu vì mình không biết tiếng của bà con trong bản. Nhưng được cái học trò nơi ấy rất ngoan, luôn biết nghe lời lên học hành rất nhanh tiến bộ. Đó cũng là niềm vui cổ vũ, động viên tôi trụ vững ở miền "sơn cước" còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước.
Hôm nay, trong căn nhà xây 1 tầng chưa trát, thầy Quách Bá Tải cho biết, cả một thời trai trẻ thầy còn bận "gieo" chữ cho bà con các dân tộc vùng cao, khi về nghỉ chế độ, gia cảnh của thầy cũng gặp nhiều khó khăn. Dành dụm tính cóp cả đời đến năm 69 tuổi (năm 2011) vợ chồng thầy mới cất được ngôi nhà nho nhỏ này.
Vùng quê thường xuyên ngập úng vào mùa mưa lũ, giờ cố gắng xây được căn nhà ở vị trí cao hơn, tuy chưa trát áo nhưng cũng yên tâm là đủ tránh được nắng, mưa và không bị ngập úng. Hỏi thăm qua vợ thầy Tải, chúng tôi được biết, gia đình thầy có 5 người con (3 trai, 2 gái ), tất cả đều đã có gia đình. Hiện chỉ có vợ chồng thầy Tải ở với nhau, ngoài tiền lương nghỉ chế độ 1,8 triệu đồng/tháng của thầy, gia đình còn có 5 sào ruộng, nhưng do điều kiện sức khỏe của cả hai không thể làm được, vào vụ lúa đều thuê cấy và gặt để có lương thực phục vụ cuộc sống.
Đứng trước mọi người, thầy Quách Bá Tải hãnh diện cho biết, dẫu chưa bằng ai nhưng tôi luôn có sự động viên và thấy tự hào về lớp học trò của mình, trong đó có rất nhiều người đã trưởng thành, thành đạt, và không chỉ ở tỉnh Tuyên Quang mà còn rất nhiều thế hệ học trò là người Ninh Bình.
Tặng hoa và chúc sức khỏe người thầy giáo cũ đã bước sang tuổi 71, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sáng Vang ôm chặt thầy và trân trọng nói: Chúng em biết ơn thầy rất nhiều, nhờ có sự hy sinh cuộc đời thanh xuân, bằng tình yêu nghề, yêu trẻ của thầy chúng em mới được trưởng thành như ngày hôm nay. Nhất là nhờ những người thầy có tâm, có tầm và có tài mới dạy được những trò nghèo lớn tuổi mới được đi học như chúng em. Trong lòng chúng em vẫn mãi mãi kính trọng và biết ơn những thầy, cô đã dạy em từ cách cầm bút, cách đánh vần và viết những con chữ khi chập chững vào đời. Đồng chí Nguyễn Sáng Vang chúc thầy Tải luôn giữ gìn sức khỏe, sống vui, sống khỏe và tự hào với nghề nghiệp mình đã chọn và gắn bó suốt cả cuộc đời.
Bài, ảnh: Duy Hùng