Nếu như trước đây, hệ thống điện của tỉnh ta cũ nát, việc cung cấp điện luôn thiếu hụt, người dân vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với nguồn điện thì đến nay, 100% số xã, 100% số hộ dân trên địa bàn nông thôn được sử dụng điện lưới Quốc gia. Đạt được kết quả đó, trong hơn 15 năm qua tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện bằng nhiều biện pháp, bằng các mô hình quản lý, nâng cấp khác nhau, từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn về lưới điện nông thôn. Điển hình năm 1995, tỉnh ta đã ban hành Quyết định và tổ chức thực hiện việc quy định quản lý, sử dụng điện và giá điện nông thôn.
Theo đó, Sở Điện lực Ninh Bình (nay là Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình) thực hiện bán buôn điện cho khu vực nông thôn tại công tơ tổng và UBND xã là đại diện các hộ tiêu thụ điện ký hợp đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những ưu điểm về việc cung cấp điện phục vụ cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân, mô hình cũng đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập như: UBND xã và Sở Điện lực vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, vừa thực hiện chức năng kinh doanh dịch vụ điện nên việc quản lý chưa chuyên sâu, chất lượng không cao.
Hơn nữa, trong quá trình cung ứng dịch vụ điện nông thôn, UBND xã không trực tiếp quản lý mà khoán cho các cai thầu, xảy ra tình trạng kinh doanh điện không tu sửa, nâng cấp và xây dựng mới, dẫn đến lưới điện ngày càng cũ nát, giá điện cao, mất an toàn và chất lượng điện năng không đảm bảo. Để khắc phục những hạn chế đó, tỉnh ta đã phê duyệt thực hiện Đề án mô hình tổ chức và quản lý điện nông thôn. Do đó từ năm 2003, việc tổ chức quản lý lưới điện nông thôn đã đi vào nề nếp, đảm bảo theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ điện.
Qua quá trình tổ chức thực hiện việc xây dựng tổ chức quản lý điện nông thôn theo mô hình mới, tỉnh ta đã xây dựng được 100 tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn và bán điện theo giá của Chính phủ quy định, đồng thời xây dựng bộ máy quản lý, công nhân kỹ thuật, thực hiện quản lý và vận hành hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh tồn tại hai mô hình quản lý và kinh doanh bán lẻ điện nông thôn là Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình và các tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn. Hầu hết các tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn đang hoạt động có lưới điện vận hành được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, năng lực tài chính của các đơn vị để đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp lưới điện gặp nhiều khó khăn. Hệ thống công tơ đo đếm điện năng tại một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, công tác lập hồ sơ quản lý theo dõi và thời hạn kiểm định thiết bị đo đếm điện ở nhiều đơn vị chưa thực hiện theo đúng yêu cầu và thời hạn quy định của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường…
Việc đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa lưới điện trung, hạ thế nông thôn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhu cầu bức thiết và phải đi trước một bước, trong khi các tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn còn nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhân lực, kỹ thuật. Do vậy, tỉnh ta tiếp tục phê duyệt thực hiện Đề án tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn và tổ chức bán lẻ tới hộ sử dụng điện. Qua 15 năm thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn (1998-2013), tỉnh ta đã tiếp nhận và đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn hiệu quả. Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã tiếp nhận tổng số 702 trạm biến áp với tổng dung lượng trên 120.000 KVA và thực hiện tiếp nhận, quản lý, bán lẻ trực tiếp đến các hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Sau khi tiếp nhận, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã tiến hành đầu tư xây dựng hàng trăm trạm biến áp, thay mới hàng nghìn công tơ, hộp công tơ đúng tiêu chuẩn, đầu tư nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn đảm bảo đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, quản lý kinh doanh bán điện và đảm bảo nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn của 110 xã trong tổng số 119 xã trên địa bàn tỉnh và thực hiện bán lẻ điện trực tiếp đến gần 189.000 hộ dân nông thôn, đạt tỷ lệ 90%.
Toàn tỉnh hiện còn 22 tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn đang hoạt động trên địa bàn 18 xã, thị trấn, trong đó có 8 đơn vị đang tiến hành kiểm đếm và định giá tài sản lưới điện để bàn giao cho Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình tiếp nhận quản lý và bán lẻ điện trực tiếp tới các hộ dân nông thôn. Về công tác đầu tư xây dựng điện nông thôn, đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 163 trạm biến áp với tổng dung lượng trên 27.000 KVA trên địa bàn tỉnh. Việc đầu tư điện lưới quốc gia về nông thôn đã tạo những thay đổi lớn trong sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh có định hướng đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện hạ áp nông thôn để đảm bảo các tiêu chuẩn của tiêu chí số 4 về điện nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện mục tiêu đó, nhu cầu vốn cho việc đầu tư xây lưới điện phục vụ cho công tác điện khí hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh là rất lớn, ước tính trên 1.500 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện cho ngành điện có đủ nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, bên cạnh nguồn lực của địa phương, tỉnh ta đề xuất, kiến nghị với Nhà nước tạo điều kiện cho ngành điện được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế hoặc có chính sách hỗ trợ về lãi suất đối với các khoản vay tín dụng.
Hồng Giang