Có dịp đi thăm hỏi các gia đình có người thân là nạn nhân của các vụ TNGT, trong đó có trường hợp gia đình chị Phạm Thị Tuyết Nhung, sinh năm 1982, xã Khánh An, huyện Yên Khánh có chồng bị chết do tai nạn giao thông (TNGT) từ tháng 5/2015. Cho đến giờ, tôi vẫn ám ảnh về hình ảnh người vợ nhỏ bé ấy đang ôm 2 đứa con thơ, trong đó có một người con bị bại não, ngồi bần thần, mắt đỏ hoe nhìn vô vọng lên tấm di ảnh của chồng.
Có nỗi đau nào đau hơn khi người thân yêu nhất bên cạnh mình đột ngột ra đi, TNGT không may đã cướp đi của gia đình không chỉ là một người chồng, một người cha, một người con còn rất trẻ mà hơn cả còn là cướp đi một trụ cột chính của cả gia đình, để lại nỗi đau tột cùng cho người thân và gánh nặng trên vai người phụ nữ.
Chị Tuyết cho biết: Chuyện đau buồn đã xảy đến với gia đình chị được hơn 3 năm, đến nay chị cũng đã dần nguôi ngoai nỗi đau, chấp nhận thực tại để ổn định cuộc sống.
Hiện nay chị đã xin được việc làm thêm tại một công ty tư nhân, ngoài thời gian đi làm, chị luôn phải tất bật tranh thủ đi đi về về chăm sóc cho đứa con bị bại não và một cháu bé đang học lớp 4, cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Tai nạn giao thông không chỉ rình rập xảy ra trên đường bộ, mà còn rình rập hiểm nguy trên cả các tuyến đường thủy, đường sắt.
Chắc hẳn người dân trên địa bàn tỉnh chưa thể quên vụ TNGT đường thủy xảy ra vào ngày 4/7/2016 trên tuyến sông Hồng, khu vực xã Hồng Lý (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) giữa tàu NB - 2434 do Trần Văn Tuấn (sinh năm 1975), ở thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh (Gia Viễn) điều khiển với tàu NB 6913 do Phạm Văn Hiến (sinh năm 1990), ở xã Trung Phong (xã Trường Yên, Hoa Lư) làm thuyền trưởng đi cùng chiều.
Hậu quả khiến chiếc tàu NB-2434 bị chìm, làm 4 người trong gia đình anh Tuấn tử vong, để lại một đứa con thơ khi ấy mới 6 tuổi. Có thể thấy, TNGT đã để lại những nỗi đau cho người ở lại, không chỉ gia đình, người thân của họ chịu mất mát, thiệt thòi mà cả xã hội cùng đau nỗi đau chung, khó có thể quên đi được.
Theo thống kê của Ban an toàn giao thông tỉnh, 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 107 vụ TNGT làm 22 người chết và 89 người bị thương, tăng 4 vụ và 4 người bị thương so với cùng kỳ năm 2017. Đáng nhắc đến là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mới xảy ra gần đây, trên địa bàn thành phố Ninh Bình giữa xe bồn và xe máy, chiếc xe bồn bị lật và đè lên người đi xe máy khiến người này tử vong tại chỗ.
Theo các ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT, bên cạnh do mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ… thì nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông.
Người tham gia giao thông chạy quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn phần đường, làn đường, qua đường không quan sát, vi phạm các quy định về biển báo, đèn báo, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông… là những lỗi vi phạm phổ biến.
Với mục tiêu giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do TNGT, Ban ATGT tỉnh đã xác định công tác tuyên truyền là giải pháp tiên quyết, vì thế đã chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch để tạo tiền đề, động lực, phát huy hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ dưới nhiều hình thức, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, nhất là trong tháng 9, tháng ATGT.
Đồng thời, Công an tỉnh đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trách nhiệm trong lực lượng cảnh sát giao thông; củng cố, phát huy hiệu quả vai trò của công an xã và lực lượng quần chúng tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATGT.
Đặc biệt, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tích cực phối hợp với lực lượng cảnh sát trật tự và các lực lượng khác (tổ công tác 191) tham gia tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT và an ninh trật tự, trong đó tập trung vào các lỗi là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như: Chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện mô tô, xe máy, vi phạm nồng độ cồn.
Bên cạnh đó, lực lượng công an còn chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý đường sắt và ngành giao thông vận tải cùng chính quyền địa phương có đường sắt đi qua tổ chức tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa các hành vi phá dỡ các hàng rào, trụ bê tông để thu hẹp lối đi tự mở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, đồng thời kiên quyết giải tỏa và xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt.
Cùng với đó, tổ chức tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định đối với bến thủy nội địa, các phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm, chở quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn… kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện thủy không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, không trang bị phao cứu sinh...
Đồng thời, ngành Giao thông - Vận tải đã chủ động khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông, huy động đông đảo các ban, ngành tham gia công tác giải quyết trật tự giao thông trên địa bàn; khảo sát và kịp thời xóa "điểm đen" về TNGT, không để phát sinh điểm đen mới về TNGT.
Tuy nhiên, để hạn chế tối đa những đau thương, mất mát vì tai nạn giao thông gây ra, mỗi chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách tham gia giao thông có văn hóa và hiểu biết. Vì hạnh phúc, vì cuộc sống bình yên, hãy chung tay hành động quyết liệt hơn nữa để góp phần kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, cần quan tâm, chia sẻ những khó khăn vật chất, tinh thần đối với những nạn nhân và gia đình nạn nhân tai nạn giao thông, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống và xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát đã xảy ra.
Kiều Ân