Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy "Về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010", trong thời gian qua, công tác giảm nghèo đã được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ, các đoàn thể ở tỉnh đã chủ động tuyên truyền, khảo sát, xây dựng kế hoạch giúp đỡ 6.220 hộ thoát nghèo, chỉ đạo mỗi đoàn thể ở cơ sở đăng ký giúp đỡ từ 3 đến 5 hộ thoát nghèo /năm; phối hợp giám sát việc thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ; xây dựng 65 mô hình điểm về giảm nghèo. Nhiều mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả như: trồng lúa tái sinh tại Gia Viễn, gấc cao sản tại Gia Minh (Gia Viễn), ngô lai chịu hạn, rau màu các loại tại Nho Quan, Kim Sơn, nuôi thỏ Niudilân ở Nho Quan, bò sinh sản ở Kim Sơn, cá mè giống ở Thạch Bình (Nho Quan), nghề trồng nấm ở Yên Khánh…
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho người nghèo. Một số nghề như chẻ tăm hương, mây che đan, may công nghiệp, đan cói bèo bồng, chiếu trúc, thêu ren, móc sợi, mộc dân dụng… được duy trì và phát triển giúp người nghèo tiếp cận với ngành nghề, nâng cao thu nhập lúc nông nhàn. MTTQ và các đoàn thể đã sâu sát cơ sở, bám sát Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và Đề án 15 của UBND tỉnh, tích cực thực hiện nhiệm vụ được phân công, có nhiều phương thức, giải pháp cụ thể, chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương để thực hiện.
Hàng năm, MTTQ tỉnh đã triển khai "Tháng cao điểm vì người nghèo" (từ ngày 17-10 đến 18-11) nhằm vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hưởng ứng xây dựng Quỹ "Vì người nghèo" xây nhà, tặng quà, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, con nuôi, ngày công… giúp đỡ các hộ nghèo, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Qua đó phát huy truyền thống "Tương thân, tương ái" và đạo lý "Thương người như thể thương thân" của dân tộc. Tạo nguồn lực tổng hợp, để chăm lo cho người nghèo, góp phần thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước.
Thời gian qua, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho gần 40 nghìn lao động nông thôn có việc làm mới, hơn 6.000 tỷ đồng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng đặc biệt khó khăn và gần 3.000 hộ nghèo, gia đình chính sách được sửa chữa, xây mới nhà ở.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng đoàn thể, doanh nghiệp tại địa phương tổ chức gần 200 lớp dạy nghề cho hơn 5.000 hộ nghèo sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân gần 181 tỷ đồng cho hơn 14 nghìn lượt hộ nghèo vay, trong đó có hơn 3.000 lượt hộ nghèo ở 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Tỉnh còn trích ngân sách địa phương gần 2 tỷ đồng cho 200 hộ nghèo vay vốn không tính lãi để mua trâu, bò và máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Ngoài ra, tỉnh còn trợ cấp thường xuyên cho hơn 40 nghìn lượt người ở diện bảo trợ xã hội, đồng thời trợ cấp đột xuất cho 32 nghìn lượt người, giúp hộ nghèo khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt ổn định đời sống. Nhờ đó, số hộ nghèo trong tỉnh đã giảm nhanh chóng từ 12,83% (năm 2007) xuống còn 6,15% năm 2010 (theo tiêu chí cũ).
Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 15-10-2007 của Tỉnh ủy "Về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010" mang một ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng đối với người nghèo với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân. Qua nắm bắt thực tiễn ở cơ sở, trong thời gian tới, Nghị quyết cần được tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Quỳnh Thu