Tuy nhiên, chưa rõ khi nào tên lửa sẽ được phóng. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã triển khai các hệ thống phòng thủ, trong đó có hệ thống đánh chặn tên lửa Pa-tri-ốt ở trung tâm Thủ đô Tô-ki-ô, nhằm bắn hạ bất cứ tên lửa nào đe dọa Nhật Bản. Trong khi đó, các nguồn tin cho biết, toàn bộ lực lượng dự bị của CHDCND Triều Tiên đã thôi trực chiến và ra đồng tham gia lao động sản xuất.
* Ngày 11-4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự đoán, Triều Tiên có thể sẽ phóng tên lửa vào trước hoặc sau ngày 15-4, nhân kỷ niệm Ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Triều Tiên dường như đã hoàn tất việc chuẩn bị phóng tên lửa tại một số địa điểm ở bờ biển phía đông nước này, nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có tên lửa được phóng đi. Hàn Quốc đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-2 để sẵn sàng đánh chặn các tên lửa được phóng vào lãnh thổ nước này.
* Ngày 10-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C.Hây-gơ cho biết, Mỹ đã sẵn sàng đối phó bất kỳ hành động nào của Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng những hành động khiêu khích. Trong khi đó, đảo Gu-am của Mỹ ở Thái Bình Dương đã nâng mức báo động lên mầu "vàng" và thử hệ thống báo động khẩn cấp sau khi Triều Tiên cảnh báo hòn đảo này là một mục tiêu tiến công tiềm năng.
* Ngày 11-4, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G8 họp tại Thủ đô Luân Ðôn (Anh) đã thảo luận về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Các bộ trưởng kêu gọi các bên tránh những hành động khiêu khích làm gia tăng tình hình căng thẳng và nhấn mạnh cần giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng con đường chính trị - ngoại giao.
* Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp và người đồng cấp Mỹ G.Ke-ri đã hội đàm, thảo luận về quan hệ song phương và tình hình các điểm nóng trên thế giới. Về tình hình bán đảo Triều Tiên, hai bộ trưởng nhất trí cho rằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ liên quan vấn đề này phải được thực hiện. Ông La-vrốp nhấn mạnh, mục tiêu chung của các bên là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hiện vẫn còn cơ hội nối lại đàm phán sáu bên (giữa Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên). Trong mọi trường hợp, Nga và Mỹ ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho tình hình hiện nay. Ông La-vrốp lưu ý, Mỹ cần tránh lợi dụng tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên để tăng cường hoạt động quân sự tại khu vực Ðông - Bắc Á, cũng như biến thành cớ để thay đổi cán cân quân sự trong khu vực.
* Ngày 11-4, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, tuần trước, Triều Tiên đã nhận một chuyến tàu chở thuốc chống lao từ một tổ chức nhân đạo có trụ sở tại Xơ-un, bất chấp căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Lượng thuốc này trị giá khoảng 600.000 USD. Tổ chức này có chương trình viện trợ thuốc giúp các bệnh nhân lao ở Triều Tiên từ năm 2000 và đều đặn gửi thuốc cho nước này.
Theo Nhandan