Bạc giá trị như vàng!
Ðúng như dự đoán của giới chuyên môn, tấm Huy chương vàng cự ly 100 m môn điền kinh đã thuộc về Vũ Thị Hương - "Nữ hoàng" chạy cự ly ngắn Ðông-Nam Á. Tuy nhiên, điều bất ngờ ở môn điền kinh ngày thi đấu này lại thuộc về các vận động viên nội dung ném lao bởi sau hơn 10 năm chờ đợi, Việt Nam mới lại có thể giành được huy chương ở nội dung ném - đẩy. Công đầu đã thuộc về nữ vận động viên người dân tộc Thái Lò Thị Hằng (thành tích 45 m 95 - Huy chương bạc) và Trần Thị Thắm (45 m - Huy chương đồng). Có thể nói, Huy chương bạc của Lò Thị Hằng có giá trị như Huy chương vàng vì những ý nghĩa vượt ra ngoài tấm huy chương đó, nhất là do một cô gái người Thái giành được.
Vận động viên tự tổ chức họp báo vì bức xúc
Ngày 13-12, xạ thủ người Thái-lan Gia-krít Pa-ních-pa-ti-kum bị cảnh sát Lào thẩm vấn sau khi tự tổ chức buổi họp báo bày tỏ sự bất bình với Liên đoàn Bắn súng Thái-lan. Trước đó một ngày, anh bị buộc phải trở về nước sau cuộc cãi vã với huấn luyện viên đội bắn súng Bu-ra-pa Réc-sang-két. Thay vì trở về Băng-cốc ngay, anh ở lại và tự tổ chức buổi họp báo bày tỏ sự bức xúc với Liên đoàn Bắn súng và cho biết mình thường xuyên bị chèn ép. Theo Bangkokpost, kết thúc bài phát biểu, anh bị cảnh sát bắt và thẩm vấn (theo yêu cầu của các quan chức lãnh đạo môn bắn súng Thái-lan) nhưng được thả tự do ngay sau đó. "Họ thả tôi khi nhận ra tôi không làm gì sai cả", vận động viên này cho biết.
Hai võ sĩ nữ Thùy Linh và Trà My được đông đảo cổ động viên Lào mến mộ.
Võ sĩ mà "đẹp như tiên"
Tại Trung tâm Itec ở Thủ đô Viêng Chăn, khi có các trận đấu u-su của các võ sĩ Việt Nam bao giờ cũng đông nghịt người xem các quốc gia dự SEA Games. Chứng kiến các võ sĩ u-su Việt Nam thi đấu, nhất là các nữ võ sĩ, người xem có mặt tại Trung tâm đã liên tục vỗ tay tán thưởng màn biểu diễn đẹp và quyến rũ ở nội dung đối luyện tay không và vũ khí của các võ sĩ Việt Nam. Các nữ võ sĩ Việt Nam đấu võ mà như múa, như lượn trên sân khấu rực rỡ ánh sáng đèn. Ðặc biệt hơn, các chị không chỉ giỏi võ mà còn "đẹp như tiên" nữa chứ, một khán giả Lào đã nhận xét như vậy.
Chấm dứt thời kỳ vàng của bóng đá Thái-lan tại SEA Games
Tờ Bangkokpost đã khẳng định, huấn luyện viên Ða-bi phải chịu trách nhiệm chính sau thất bại của đội U23 Thái-lan, vì ông được cho là hiểu khá rõ về bóng đá Ma-lai-xi-a sau một thời gian huấn luyện câu lạc bộ Pê-rắc. Ngoài ra ông đã quá chủ quan khi để cho đội U23 Thái-lan chuẩn bị đá với một Ma-lai-xi-a không có bộ đôi chủ lực, Ra-him Xa-phích và Xa-a-ra-ni. Nhưng thực tế cả hai cầu thủ vẫn vào sân và chính Xa-a-ra-ni còn ghi một bàn cho đội Ma-lai-xi-a. Chán chường, thất vọng và tức giận là những cảm xúc của người Thái-lan khi đội nhà lần đầu không vượt qua được vòng bảng SEA Games (tính từ năm 1973). Nhưng cũng theo Bangkokpost "Thất bại lần này khiến thời kỳ vàng của bóng đá Thái-lan ở SEA Games chấm dứt...".
Bất ngờ thay nhân viên bán vé vào giờ chót để chống vé chợ đen
Sau khi Ban tổ chức thay đổi địa điểm thi đấu cho trận đội U23 Lào gặp đội U23 Xin-ga-po về Sân vận động quốc gia Lào để đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ, nhưng hơn 20 nghìn chỗ ngồi của Sân vận động quốc gia Lào cũng trở nên quá nhỏ bé trước cơn sốt bất chợt vì bóng đá của cổ động viên nước chủ nhà. Số lượng vé được tăng lên gấp bốn lần nhưng vẫn "cháy khét" trước giờ đấu. Không chỉ là vé trận bán kết hai mà ngay trận bán kết một cũng không thoát khỏi cảnh khan hiếm. Ðể đối phó tình trạng vé chợ đen, Ban tổ chức đã phải nhờ đến lực lượng cảnh sát vào cuộc và bất ngờ thay toàn bộ nhân viên bán vé vào giờ chót.
Theo Nhandan