Lớp 1 là cột mốc quan trọng trên hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường mầm non vui chơi là chủ yếu sang môi trường học tập có nền nếp, kỷ luật và yêu cầu tự giác cao hơn. Làm thế nào để trẻ bước vào lớp 1 với tâm thế sẵn sàng, yêu thích học tập và không bị áp lực là mối quan tâm lớn của nhiều bậc phụ huynh.
Nét chữ đầu tiên (Trẻ em tập viết chữ tại Trung tâm Văn hoá thanh, thiếu niên phường Nam Định).
Thường thì trẻ sắp vào lớp 1 sẽ có tâm lý háo hức xen lẫn lo lắng khi phải làm quen với môi trường học tập mới. Khác với trường mầm non, nơi các em được vui chơi, khám phá, thì ở tiểu học, hoạt động học tập là chính. Nắm bắt điều này, nhiều phụ huynh đã chủ động chuẩn bị tâm thế cho con bằng nhiều hình thức: cho trẻ tham gia các lớp tiền tiểu học, học chữ trước, luyện viết, tham gia các lớp kỹ năng, năng khiếu… để tăng sự tự tin khi trẻ bước vào lớp 1.
Chị Thu Hương (phường Trường Thi) có con chuẩn bị vào lớp 1 chia sẻ: “Ngay từ đầu năm, tôi đã cho cháu tham gia lớp tiền tiểu học để trau dồi kiến thức và kỹ năng cơ bản. Không đặt nặng chuyện con phải biết trước chương trình, tôi chỉ mong con nhận thức được mình sắp bước vào một giai đoạn học tập nghiêm túc hơn, có kỷ luật hơn”.
Trong khi đó, chị Phạm Vân (xã Yên Khánh) lại chú trọng đến việc rèn kỹ năng sống cho con. “Tôi không ép con học chữ sớm, mà chủ yếu rèn cho bé kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ bản thân, kỹ năng giao tiếp, ghi nhớ… Đồng thời, tôi thường xuyên hướng dẫn con cách chuẩn bị sách vở, sử dụng đồ dùng học tập, kể cho con nghe về những hoạt động mới ở lớp 1 để con cảm thấy hứng thú”, chị Vân nói.
Trẻ em tập tô màu tại Trung tâm Văn hoá thanh, thiếu niên phường Nam Định.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác lại chọn phương án cho con học trước chương trình lớp 1 để “chắc chân”. Chị Lan Anh (phường Hà Nam) cho biết: “Từ cuối năm trước, tôi đã gửi con tới lớp tập viết gần nhà. Mỗi tuần ba buổi, mỗi buổi hai tiếng, hiện tại cháu đã biết đọc, làm toán cộng trừ. Tôi thấy nhiều phụ huynh gần nhà cũng làm như vậy vì lo sợ chương trình lớp 1 hiện nay khá nặng, nếu không học trước e con khó theo kịp”.
Tuy vậy, theo các chuyên gia giáo dục, chương trình lớp 1 đã được thiết kế khoa học, phù hợp với tâm lý và nhận thức của trẻ. Bộ sách giáo khoa mới không “nặng” như nhiều người nghĩ, và việc tiếp cận kiến thức là cả một quá trình được giáo viên hướng dẫn linh hoạt. Dù trẻ có học trước hay không, các bài học vẫn được bắt đầu từ mức cơ bản nhất. Việc viết chính tả, chẳng hạn, chỉ bắt đầu từ học kỳ 2, sau khi trẻ đã đọc thành thạo.
Ngoài ra, chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi hiện nay cũng đã được Bộ GD&ĐT xây dựng đồng bộ, chú trọng rèn luyện kỹ năng và phát triển năng lực. Trẻ được làm quen với môi trường học tập tiểu học thông qua các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tham quan trường tiểu học, học các kỹ năng tự phục vụ, giao tiếp, hợp tác nhóm… Đây chính là nền tảng vững chắc để trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1.
Một số giáo viên dạy lớp 1 tại các trường tiểu học trong tỉnh cũng nhận định, việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là không cần thiết, thậm chí còn có thể phản tác dụng. Trẻ học trước dễ chủ quan, mất hứng thú khi vào năm học chính thức; một số em còn mắc lỗi sai về tư thế ngồi, cách cầm bút, viết chữ không đúng nét, gây khó khăn cho việc sửa sai về sau. Chưa kể, không có bằng chứng nào khẳng định rằng học trước sẽ giúp trẻ học giỏi hơn trong quá trình học tiểu học.
Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng mở, lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực, thực hành và ứng dụng kiến thức. Sự hứng thú trong học tập là yếu tố quan trọng, giúp trẻ tiếp thu hiệu quả và phát triển toàn diện. Vì vậy, thay vì chạy theo trào lưu học trước chương trình, cha mẹ nên đồng hành cùng con bằng những việc thiết thực: quan tâm tâm lý, rèn kỹ năng sống, tạo điều kiện cho con khám phá, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng bước vào lớp 1.
Hành trình vào lớp 1 là một chặng đường mới, có phần bỡ ngỡ nhưng cũng đầy thú vị. Điều các em nhỏ cần nhất chính là sự thấu hiểu, đồng hành của cha mẹ và thầy cô - để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.