Phóng viên: Thưa ông, ngành Nông nghiệp nhận định như thế nào về những thách thức trong vụ đông xuân năm nay? Đồng chí Lã Quốc Tuấn: Hai vấn đề lớn nhất trong vụ sản xuất đông xuân là nước tưới và thời tiết. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Đông Xuân 2019-2020 sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Hồng, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Trên các sông, suối ở khu vực Bắc bộ, lượng dòng chảy đang thiếu hụt từ 20-80% so với trung bình nhiều năm.
Tổng dung tích các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà cũng chỉ đạt 65-85% dung tích thiết kế. Trên cơ sở nhu cầu dùng nước và điều kiện thực tế vận hành cấp nước, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã có thông báo về lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa với 3 đợt, tổng thời gian là 18 ngày. Tuy nhiên, Ninh Bình là tỉnh nằm ở cuối nguồn nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cấp nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân năm 2019-2020.
Về thời tiết, năm nay tiếp tục là một vụ đông xuân ấm. Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình cho biết: Nhiệt độ trung bình toàn mùa vẫn ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm. Các đợt rét đậm, rét hại có thể xảy ra từ 4-6 đợt tập trung vào cuối tháng 12 và kéo dài sang tháng 1, tháng 2. Nhiệt độ thấp nhất có thể xuống tới 7-9 độ C, vùng núi từ 6-8 độ C. Còn theo kinh nghiệm cổ truyền "Cửu nguyệt phong lôi, tứ nguyệt hàn", nghĩa là tháng 9 có sấm chớp, tháng 4 năm sau sẽ lạnh, rét nàng Bân sẽ về muộn hơn bình thường.
Trên thực tế, chúng ta vừa trải qua tháng 12 ấm bất thường (nhiệt độ cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm). Điều này dự báo diễn biến phức tạp của nền nhiệt độ tháng 1 và tháng 2. Rất có thể, rét đậm, rét hại sẽ xảy ra vào đúng thời điểm bà con gieo cấy tập trung. Nếu không theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có những dự báo, cảnh báo sớm, từ đó thay đổi linh hoạt thời điểm xuống giống thì khó tránh khỏi việc phải gieo cấy đi, gieo cấy lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, thời tiết ấm nên diễn biến sâu bệnh ở vụ đông xuân năm nay cũng được tiên lượng rất phức tạp. Sâu cuốn lá, đục thân, rầy các loại, do ấm sẽ không ngủ đông hoặc ngủ đông ngắn, vòng đời nhanh hơn, nguồn thức ăn lại dồi dào sẽ là cơ hội cho phát sinh thành dịch. Ngoài ra, vấn đề thiếu hụt lao động nông nghiệp cũng là những cản trở không nhỏ đối với vụ sản xuất này.
Phóng viên: Trước những khó khăn nêu trên, ngành Nông nghiệp đã đưa ra các giải pháp ứng phó như thế nào?
Đồng chí Lã Quốc Tuấn: Vừa qua, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức hội nghị họp bàn với các địa phương đưa ra các giải pháp tốt nhất để đối phó. Theo đó, có thống nhất các định hướng cơ bản trong kỹ thuật như sau: Về cơ cấu trà lúa, trà xuân muộn vẫn là trà lúa chủ đạo chiếm 95% diện tích, trà xuân sớm 5% và chỉ bố trí trên các chân ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu, vùng ngoài đê, đất thấp ven núi.
Về thời điểm gieo cấy, trà xuân sớm gieo mạ từ 10-15/12/2019, cấy tập trung từ 10-15/2/2020; trà xuân muộn gieo mạ từ 20-30/1/2020, 100% mạ gieo phải được che phủ bằng nilon trong, cấy vào trung tuần tháng 2/2020. Đối với diện tích gieo thẳng, tập trung gieo từ 1-10/2/2020. Lịch thời vụ là như vậy, nhưng nếu xảy ra rét đậm, rét hại, các địa phương phải linh hoạt đẩy lùi thời vụ lại.
Về vấn đề điều tiết nước, đây là yếu tố vô cùng quan trọng với lúa xuân, "nước là áo của lúa xuân", giai đoạn cây con không thể để thiếu nước. Sở yêu cầu Công ty Khai thác công trình thủy lợi cùng các địa phương tích cực thực hiện nạo vét cửa cống, bể hút trạm bơm, kênh dẫn, chủ động bơm sớm, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn từ các nguồn nước sẵn có ở sông, ngòi; theo dõi sát nguồn nước trong thời gian xả nước tập trung để bơm nước vào hệ thống thủy nông, sử dụng có hiệu quả nguồn nước từ các hồ thủy điện, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước đổ ải và tưới dưỡng cho lúa.
Ngoài ra, tùy theo tình hình, các địa phương có thể bố trí chuyển đổi các vùng, khu vực khó khăn về nước tưới cấy lúa chi phí cao, kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn như ngô xuân với các giống ngô cao sản, kháng đục thân, đục bắp, đậu tương xuân, khoai lang, dưa bí và rau các loại.
Phóng viên: Để sản xuất vụ đông xuân thắng lợi, ngay từ bây giờ người nông dân phải làm gì?
Đồng chí Lã Quốc Tuấn: Vụ đông xuân 2019-2020, Ninh Bình có kế hoạch gieo trồng khoảng 48.200 ha cây trồng các loại, chủ yếu là lúa, ngô, lạc, mía và rau đậu các loại… Riêng cây lúa, phấn đấu diện tích gieo cấy đạt khoảng 40 nghìn ha, năng suất 66 tạ/ha, sản lượng gần 265 nghìn tấn.
Nhằm đảm bảo hiệu quả vụ sản xuất, ngay từ đầu vụ, Ngành đã thông tin, tuyên truyền kịp thời đến các địa phương, bà con nông dân về sự biến đổi khí hậu, về một vụ xuân ấm, hạn hán và các giải pháp kỹ thuật đi kèm. Bà con nông dân và các địa phương cần tập trung cho công tác làm đất, cần tận dụng mọi nguồn lực làm đất sớm, cày sâu, bừa kỹ, tơi nhuyễn, phẳng thực hiện phương châm "ruộng chờ mạ".
Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ các vật tư nông nghiệp cần thiết như giống, phân bón để phục vụ sản xuất; tổ chức gieo mạ theo đúng khung lịch thời vụ. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần chú trọng đến khâu vệ sinh đồng ruộng, tập trung ra quân diệt chuột đảm bảo đồng loạt, hiệu quả, lưu ý nhất là thời điểm làm đất, đổ ải và gieo cấy.
Vụ sản xuất này, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương không mở rộng diện tích gieo thẳng mà khuyến khích việc ứng dụng sản xuất mạ khay, cấy máy. Đồng thời, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ cỏ, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Hiện nay, Thanh tra Sở đang tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc BVTV để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Phương (thực hiện)