Hầu hết các nghĩa trang tự phát từ rất lâu, sau này trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương bố trí thêm diện tích đất nhất định dành cho việc mai táng người quá cố. Do vậy, ở mỗi địa phương, quy mô của các nghĩa trang không giống nhau, vì phụ thuộc vào nguồn quỹ đất. Nhiều xã có 2 - 3 nghĩa trang, nhưng có nơi lại không có, phải mai táng ở những địa điểm khác.
Từ hiện trạng đó khiến việc bố trí không gian kiến trúc, phân khu chức năng, hệ thống hạ tầng cơ sở của các nghĩa trang không đảm bảo, có khi không có… Một số nghĩa trang không đáp ứng yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường. Vì thế nên nhiều nơi không thực hiện được các dịch vụ như: Xây mộ, cải táng, chăm sóc, tu sửa phần mộ… theo nhu cầu tín ngưỡng của người dân và để xảy ra tình trạng tranh chấp đất do không có những quy chế quản lý chặt chẽ.
Thường thấy trong các nghĩa trang là tình trạng mai táng, xây cất bia, mộ lộn xộn. Nhiều dòng tộc, chi họ, gia đình xây tường quây khu dành phần diện tích mộ riêng. Một số gia đình có điều kiện xây cất phần mộ kiên cố, to lớn, "khang trang", với đủ kiểu kiến trúc, có cả mái cong, mái vòm, các loại hoa văn, họa tiết, khuôn viên … Việc xây cất theo hướng mạnh ai nấy làm, không theo một quy định về quản lý kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nào với đủ các hướng, các kiểu…
Các nghĩa trang không được bố trí phù hợp là do chưa có quy hoạch, xây dựng, quản lý còn nhiều bất cập. Cho đến đầu năm 2008, Chính phủ mới ban hành Nghị định 35/NĐ-CP về việc xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang. Trước đó, chính quyền các địa phương chưa có quy định, chế tài xử lý cụ thể nào đối với những trường hợp vi phạm về xây dựng, sử dụng nghĩa trang, mai táng… và người dân cũng ít được tuyên truyền về vấn đề này.
Theo phong tục của người Việt, việc an táng người quá cố hiện nay chủ yếu là mai táng, ít hỏa táng, nên đã tồn tại nhiều bất cập ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, môi trường, đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Với tỷ suất tử trung bình khoảng 5%o, mỗi năm Ninh Bình có khoảng 4.500 - 4.600 người qua đời, mà mỗi ngôi mộ "hung táng" sử dụng tối đa khoảng 5 m2, mỗi mộ cát táng tối đa không quá 3 m2, thì diện tích dành cho người mất đi cũng khá nhiều qua các năm. Theo quy hoạch được phê duyệt từ năm 2006 - 2010, diện tích bổ sung cho các nghĩa trang trên địa bàn là 10,98 ha, trong đó huyện Gia Viễn là 2,81 ha, Yên Khánh là 1,57 ha, thị xã Tam Điệp 3,1 ha… Như vậy, tổng diện tích dành cho nghĩa trang của cả tỉnh chiếm 1.381,46 ha.
Từ thực trạng nêu trên cho thấy đã đến lúc phải có giải pháp lâu dài cho vấn đề này. Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương trước mắt cần tính toán để xây dựng, quy hoạch các nghĩa trang theo đúng quy định, xây dựng được các quy chế quản lý nghĩa trang. Việc bố trí quy hoạch phải phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn và khả năng khai thác quỹ đất; phù hợp với tổ chức phân bố dân cư; đảm bảo phân khu chức năng, phân lô, kích thước, kiểu dáng xây dựng các bia, mộ… khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, sử dụng đất hiệu quả, tạo mỹ quan, thói quen an táng văn minh, hiện đại, phù hợp với phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của người dân địa phương. Hiện nay đã có một số đơn vị đã có quy hoạch, xây dựng nghĩa trang hợp lý như thị xã Tam Điệp, thành phố Ninh Bình...
Hoàng Thanh Tâm