Văn hóa giao thông là yếu tố quan trọng góp phần làm nên ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong tất cả mọi người, đây được coi là yếu tố quyết định trong việc thực hiện mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông một cách bền vững. Tuy nhiên trong một bộ phận giới trẻ hiện nay, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên, việc thiếu văn hóa giao thông nhiều khi đã tạo thành một cách sống mà họ coi đó là sành điệu, là nổi bật và cá tính.
Đơn cử như việc sau khi tan học một số bạn học sinh thường đi xe đạp hàng ba, hàng tư trên đường, thậm chí có tốp còn đánh võng ngay trước đầu ô tô vừa nguy hiểm vừa gây ác tắc giao thông. Vì vậy, đối với học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước thì xây dựng văn hóa giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ nhiều năm nay, vấn đề giáo dục kiến thức pháp luật an toàn giao thông đã được ngành giáo dục đào tạo tỉnh ta triển khai tại hầu hết các cấp học. Để việc tổ chức cho học sinh hiểu và hành động đúng, một số trường học không chỉ chú trọng về việc đảm bảo dạy kiến thức pháp luật an toàn giao thông theo đúng chương trình mà còn tăng cường công tác phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành chức năng và đoàn thể tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa phù hợp với từng khối lớp học, thể hiện các hành vi ứng xử văn minh trong việc tham gia giao thông, hướng các em vào việc chấp hành pháp luật an toàn giao thông. Nhiều trường học, chi đoàn đã có những mô hình mới, cách làm hay như: thành lập các đội thanh niên xung kích; đội thanh niên tình nguyện tham gia đảm bảo TTATGT; đoạn đường, tuyến đường thanh niên tự quản; cổng trường sạch, đẹp, an toàn; các đội tuyên truyền về văn hóa giao thông; hội thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ… diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia. Qua đó, giúp các bạn trẻ hình thành những thói quen tốt về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thói quen đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, kỹ năng đi xe đạp an toàn… Tuy nhiên, để văn hóa giao thông thực sự có ảnh hưởng lớn trong học sinh, sinh viên, các trường học cần có sự quan tâm hơn trong công tác giám sát, theo dõi, phát hiện và biểu dương cái tốt, cái tích cực, kịp thời phê phán, lên án và chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên. Thêm vào đó, việc giáo dục kiến thức pháp luật an toàn giao thông phải được thực hiện xuyên suốt trong từng năm học, từng cấp học chứ không nên chỉ triển khai ở giai đoạn đầu của ngày khai trường hay trong Tháng an toàn giao thông. Và một điều khá quan trọng không thể không nhắc đến là các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh phải luôn là những tấm gương sáng trong việc chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông… Đây là môi trường rất thuận lợi giúp cho học sinh có thể thu nhận được những kiến thức cần thiết về pháp luật nói chung và vấn đề an toàn giao thông nói riêng, giúp mỗi bạn trẻ ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, tạo hình ảnh đẹp trong mắt mọi người khi tham gia giao thông, góp phần tích cực vào việc giảm thiểu số vụ tai nạn, số nguời chết và số người bị thương do tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ta.
Quốc Khang