Ninh Bình là nơi đứng chân của 6 trường dạy nghề Trung ương cũng như của tỉnh (gồm 3 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề). Ngoài ra còn có 18 trung tâm dạy nghề (13 trung tâm là dân lập, tư thục) và khoảng 30 cơ sở dạy nghề khác nằm trong các làng nghề, các doanh nghiệp, các HTX và các tổ chức xã hội.
Hàng năm, các trường cao đẳng, trung cấp và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo từ 25-30 nghìn học viên. Trong đó đào tạo dài hạn tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề là 2.500 người, số còn lại được đào tạo ngắn hạn tại các trung tâm dạy nghề và các cơ sở dạy nghề.
Nhìn chung, các cơ sở dạy nghề của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, cả về quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên.Bên cạnh đó, xã hội hóa công tác dạy nghề chưa mạnh, chưa khuyến khích được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân tham gia vào công tác đào tạo nghề.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2010 đưa tỷ lệ lao động được đào tạo (từ công nhân đến cao đẳng, đại học, trên đại học) của tỉnh lên 50%, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghề là 35%, tại đề án đào tạo nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 của tỉnh đã dự báo nhu cầu học nghề trong 3 năm tới khá lớn, khoảng 100.000 người, phân bổ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: 10.000 người; làm việc tại các khu du lịch: 15.000 người; tại các làng nghề: 35.000 người; chuyển giao kỹ thuật cho nông nghiệp, thủy sản: 25.000 người; phục vụ xuất khẩu lao động: 5.000 người; đi làm việc tại tỉnh ngoài 5.000 người; lao động trong các ngành, nghề khác: 5.000 người.
Đào tạo nghề may công nghiệp. Ảnh: Đồng Tiệp Khắc
Nhu cầu đào tạo nghề lớn, cũng sẽ kéo theo việc phải phát triển màng lưới dạy nghề. Trước mắt, năm 2008 tỉnh đề nghị Trung ương đầu tư thành lập trung tâm dạy nghề cho 2 huyện Yên Mô và Gia Viễn. Từ nay đến năm 2010, xây dựng 2 trường dạy nghề do Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý đặt tại thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp. Mỗi huyện còn lại tùy theo điều kiện thực tế xây dựng lộ trình kế hoạch, phấn đấu đến năm 2015 xây dựng được 1 trường dạy nghề trên cơ sở chuyển từ trung tâm hướng nghiệp dạy nghề.
Bên cạnh hệ thống trường công lập, tỉnh cũng khuyến khích thành lập 1-2 trường dạy nghề tư thục. Mỗi huyện, thị, thành phố đều có 2-3 trung tâm dạy nghề tư thục để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Xét từ yêu cầu thực tiễn, việc đào tạo nghề đến năm 2010 được phân theo 3 cấp. Trình độ cao đẳng nghề là 7,5%, trung cấp nghề là 22,5%, sơ cấp nghề là 70%. Các nhóm nghề đào tạo chính, gồm: Cơ khí, chế tạo; dịch vụ - du lịch - chế biến, nông - lâm - thủy sản, tiểu thủ công mỹ nghệ, định hướng xuất khẩu, lái xe ôtô…
Để đề án đào tạo nghề được triển khai có hiệu quả, cần phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề ở địa phương; mở rộng hình thức đào tạo nghề theo nhu cầu của chủ sử dụng lao động, khuyến khích các thành phần kinh tế mở các cơ sở dạy nghề tư thục, dân lập để phát triển nhanh mạng lưới các cơ sở dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề công lập theo hướng chuẩn hóa; có chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy nghề, đặc biệt là giáo viên giỏi. Hàng năm tổ chức điều tra nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với thị trường.
Dự tính nguồn kinh phí để phát triển hệ thống dạy nghề công lập trong 5 năm tới là 114 tỷ đồng, trong đó dành để xây dựng cơ sở vật chất trường dạy nghề: 50 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng, tỉnh đầu tư 15 tỷ đồng); xây dựng mới 8 trung tâm dạy nghề cấp huyện, tổng kinh phí là 64 tỷ đồng (mỗi trung tâm là 8 tỷ đồng). Ngoài ra, nguồn kinh phí hàng năm đảm bảo cho hoạt động dạy nghề là 14,7 tỷ đồng, gồm trả lương giáo viên, kinh phí đào tạo nghề cho đối tượng ưu tiên, kinh phí dạy nghề cho người nghèo, dạy nghề cho đối tượng cai nghiện.
Về chính sách trong đào tạo nghề, ngoài ưu tiên về đất đai, chế độ chính sách với giáo viên dạy nghề, hỗ trợ đối tượng học nghề, tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị thành lập các cơ sở dạy nghề hoặc mở lớp đào tạo nghề, sử dụng lao động qua đào tạo nghề trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo nghề, ký kết với các doanh nghiệp để sử dụng có hiệu quả số lao động được đào tạo.
Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, đoàn thể, các địa phương, tin rằng đề án đào tạo nghề của tỉnh sẽ phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết vấn đề bức thiết về đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại các địa phương trong tỉnh, đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH đất nước.
Hà Trang