Việc đạt được thành tích vốn đã khó, giữ được thành tích càng khó hơn. Thông thường mỗi một chu kỳ đại hội TDTT cần có một lớp vận động viên mới thay thế lớp tuyển thủ cũ. Môn vật ở Ninh Bình chính là một trong những môn mà lớp vận động viên kế cận được đào tạo khá hiệu quả để thay thế lớp đi trước. Tính đến hết năm 2016, Ninh Bình có 29 vận động viên vật, trong đó có 8 vận động viên tuyển I và II, 5 vận động viên tuyển trẻ, 9 vận động viên tuyến năng khiếu tập trung, 7 vận động viên tạm tuyển. Để đảm bảo nguồn tuyển thường xuyên, bổ sung cho công tác đào tạo trẻ, Trung tâm TDTT tỉnh đã phối hợp các địa phương mở nhiều lớp năng khiếu nghiệp dư tại các huyện Kim Sơn (35 em), Yên Mô (25 em), Gia Viễn (20 em).
Ngoài ra, ngay từ đầu năm, Trung tâm TDTT tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch về số lượng vận động viên đào tạo nên môn vật đã triển khai kế hoạch mở rộng địa bàn tuyển sinh ra các tỉnh ngoài như: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng... để mở rộng diện tuyển và tìm kiếm được những vận động viên có các tố chất đạt yêu cầu về đặc điểm thể chất phù hợp với điều kiện đào tạo của môn vật.
Các vận động viên lớp năng khiếu nghiệp dư tại các huyện sẽ được huấn luyện viên của Trung tâm TDTT tỉnh về trực tiếp huấn luyện 3 buổi/ tuần, ngoài ra còn có các cộng tác viên tại chỗ vốn trước kia là vận động viên của Trung tâm hướng dẫn tập luyện thường xuyên.
Kết quả của cách làm bài bản này đã thể hiện bằng việc 80% nguồn tuyển vận động viên của Trung tâm lấy từ Kim Sơn, 10% là từ Gia Viễn, Yên Mô. Trong số các vận động viên lấy từ các lò địa phương, Trung tâm đã sàng lọc và chọn được nhiều vận động viên rất có triển vọng như: Nguyễn Tiến Phúc, Nguyễn Khánh Duy (Kim Sơn); Tạ Văn Hùng, Nguyễn Thế Bảo (Yên Mô); Nguyễn Văn Đức, Đoàn Xuân Trường (Gia Viễn)...
Trong đó đô vật Phúc và Duy hiện đã có tên trong đội tuyển II Ninh Bình và bước đầu cũng đã mang về thành tích Huy chương Vàng giải vô địch vật trẻ toàn quốc, Huy chương Vàng giải vật trẻ Đông Nam Á...
Những thành tích bước đầu đó của các đô vật trẻ khẳng định năng lực cá nhân của vận động viên nhưng cũng cho thấy yếu tố tiềm năng rất lớn trong họ. Tiềm năng này nếu được khai thác sẽ đem về thành tích xứng đáng cho thể thao Ninh Bình.
Điều khiến người hâm mộ thể thao tỉnh nhà đặt nhiều niềm tin vào những thành tựu của các vận động viên trẻ là vì trong lịch sử đào tạo bộ môn vật, Ninh Bình từng đã cho ra đời nhiều sản phẩm "made in Ninh Bình" rất có chất lượng. Vận động viên người Định Hóa (Kim Sơn) là Trần Văn Tưởng với tấm Huy chương Vàng SEAGames 27 là một ví dụ.
Các vận động viên trẻ môn vật khi tập luyện tại Trung tâm TDTT tỉnh được đầu tư tốt, tập luyện với đội ngũ huấn luyện viên giàu kinh nghiệm và có đối trọng là các vận động viên giỏi lớp trước. Đó chính là những điều kiện cần để họ phát huy hết sở trường trở thành những nhân tố có thể mang lại những đột phá về thành tích cho môn vật của Ninh Bình trong tương lai. Cái đích mà họ nhắm tới gần nhất chính là những tấm Huy chương Vàng tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018.
Mai Phương