Cùng tham gia Đoàn công tác có đồng chí các đồng chí: Trịnh Đình Dũng, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Hoàng Tuấn Anh, UV TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; nhà sử học Dương Trung Quốc; lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước.
Tiếp và làm việc với Chủ tịch nước và Đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thủ trưởng một số sở, ngành và lãnh đạo huyện Hoa Lư.
Tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Chủ tịch nước cùng Đoàn công tác đến dâng hương tại Đền thờ vua Đinh, Đền thờ vua Lê.
Chủ tịch nước khảo sát tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư
Sau khi khảo sát thực tế tại xã Trường Yên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 và nghe báo cáo tiến độ thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư.
Đồng chí Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hôi năm 2014, nhiệm vụ năm 2015; báo cáo tiến độ thực hiện và đề xuất các kiến nghị của tỉnh với Chủ tịch nước về những khó khăn, bất cập trong quá trình bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử -văn hóa Cố đô Hoa Lư.
Lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà sử học đã đồng tình với chủ trương của tỉnh Ninh Bình trong việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư nhằm tôn vinh xứng đáng vị thế, ảnh hưởng của Cố đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc,- nơi khởi nghiệp của 3 triều đại Đinh- Tiền Lê- Lý. Các đại biểu cũng đánh giá cao tỉnh Ninh Bình trong việc thu hút các nguồn lực theo phương châm xã hội hóa để phục vụ phát triển các dự án, đặc biệt là về văn hóa lịch sử; đồng thời làm tốt công tác quy hoạch các khu danh thắng. Nhờ vậy, Ninh Bình đã hình thành nhiều khu du lịch văn hóa nổi tiếng, tạo thành quần thể có giá trị không chỉ ở Ninh Bình mà toàn vùng Bắc Bộ, châu thổ sông Hồng.
Các đại biểu kiến nghị tỉnh cần có cơ chế đặc biệt như phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn; tiếp tục điều tra khảo sát quy hoạch bài bản theo khuyến nghị của UNESCO; không để tái diễn tình trạng đập đi xây mới di tích như một số địa phương khác. Các nhà khoa học cũng kiến nghị Ninh Bình cần có kế hoạch thám sát để phát hiện những giá trị tiềm ẩn, bổ sung những cứ liệu khoa học chưa từng được ghi trong sử sách.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đạt được trong năm 2014. Về nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Chủ tịch nước lưu ý Ninh Bình cần tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là tập trung phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, UNESCO đã ghi danh Quần thể Danh thắng Tràng An của Ninh Bình là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trong đó có Cố đô Hoa Lư thuộc vùng bảo vệ đặc biệt (vùng lõi) của Di sản. Đây là thuận lợi nhưng cũng là những thách thức không nhỏ đối với Ninh Bình trong quá trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản. Vì vậy, trong thời gian tới, Ninh Bình cần tập trung rà soát quy hoạch tổng thể, trong đó có quy hoạch khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, đảm bảo khoa học. Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình đã và đang thi công như: tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành và Lăng mộ vua Đinh Tiên Toàng, vua Lê Đại Hành; xây dựng hệ thống giao thông đường bao, hào nước vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư; xây dựng Quảng trường và sân lễ hội...
Về kinh phí thực hiện, Chủ tịch nước đồng tình với chủ trương phát động nguồn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, Chủ tịch nước gợi mở Trung ương sẽ hỗ trợ và có cơ chế khuyến khích; trên tinh thần chú trọng hiệu quả công việc. Mặt khác, Ninh Bình cần có chính sách cởi mở, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư tham gia, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào các công trình, dự án cụ thể, nhanh chóng tạo ra diện mạo mới cho quần thể danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử này.
Chủ tịch nước yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, các nhà nghiên cứu khảo cổ học, nhà khoa học tập trung giúp đỡ tỉnh trong việc rà soát quy hoạch, khảo cổ khu Cố đô Hoa Lư cũng như giúp tỉnh Ninh Bình nghiên cứu, phục dựng lại một số di tích, công trình thời kỳ Đinh - Lê - Lý... để công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư đạt hiệu quả, xây dựng Khu di tích văn hóa - lịch sử Cố đô Hoa Lư xứng tầm với vị thế mà lịch sử cha ông đã để lại. Đồng thời, tạo điều kiện xây dựng Ninh Bình trở thành một trọng điểm về du lịch của cả nước và khu vực. Đây cũng là việc làm hết sức ý nghĩa nhằm tri ân những công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng và các bậc tiền nhân, giáo dục, nâng cao ý thức lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch nước và các đồng chí trong Đoàn công tác, đồng thời mong muốn trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Chủ tịch nước, các bộ, ngành Trung ương trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước và các ý kiến của các bộ, ngành, các nhà sử học, trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục tập trung tối đa để huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, đưa khu di tích xứng tầm với vị thế lịch sử, địa lý, tạo thành điểm nhấn riêng có, đặc trưng của Ninh Bình trong quá trình phát triển, đi lên.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước cùng Đoàn công tác đã đi thăm, khảo sát tình hình hoạt động của nhà máy lắp ráp ôtô Huyndai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu), huyện Gia Viễn và dâng hương tại Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu.
Mai Lan