Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28/11/1990, kể từ đó đến nay, quan hệ hai bên đã đi vào khuôn khổ, phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu. EU trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư; đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng: Tình hình chính trị - xã hội ổn định; kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức cao; đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, lại chịu nhiều tác động không thuận của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, Việt Nam đang phải rất nỗ lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý; đồng thời, chú trọng phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội hướng tới mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trên con đường phát triển đó, Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó, vai trò của EU có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng cả về bề rộng và chiều sâu. Sự phát triển năng động này đặt ra yêu cầu thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới cho quan hệ Việt Nam - EU thay thế cho Hiệp định khung Việt Nam - EC năm 1995. Trên tinh thần đó, tháng 6/2005, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án tổng thể quan hệ Việt Nam - EU đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015; chủ trương xây dựng "Quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu vì hòa bình và phát triển" và đã giao Bộ Ngoại giao đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam - EU. Sau quá trình hai năm với chín vòng đàm phán, Hiệp định PCA được hai bên ký trong tháng 10/2010 và ký chính thức tháng 6/2012, đã đánh dấu bước phát triển về chất mới của quan hệ giữa Việt Nam và EU. Hiệp định PCA không chỉ điều chỉnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU trên các lĩnh vực như: Hợp tác phát triển kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, nông nghiệp, y tế, du lịch...mà còn bao gồm hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, an ninh năng lượng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố và tội phạm có tổ chức.
Cùng với quan hệ chính trị, quan hệ thương mại - đầu tư và hợp tác phát triển cũng phát triển nhanh chóng, đóng góp thiết thực cho quan hệ chung. EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20% năm. Trao đổi thương mại hai chiều đã tăng mạnh từ 1,5 tỷ USD năm 1995 lên hơn 24 tỷ USD năm 2011. Thương mại hai chiều 8 tháng năm 2012 đạt trên 18 tỷ USD, tăng 23,12% so với năm 2011. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 12,69% tỷ USD, tăng 23,72%; nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 5,75 tỷ USD. EU là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ, và là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng. Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EU năm 2011 vẫn là những mặt hàng truyền thống: Giày da, dệt may, cà phê hạt xanh, đồ gỗ, hải sản, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Châu Âu.
Về đầu tư, các thành viên EU hiện là một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2012, đã có 20 trong số 27 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1226 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký trên 18 tỷ USD. Về lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo dẫn đầu trong các lĩnh vực mà các nước EU đầu tư tại Việt Nam với 463 dự án, tổng số vốn đăng ký khoảng 4,75 tỷ USD. Hiện các nước EU đã đầu tư tại 49 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… Các nước EU đầu tư nhiều nhất theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 850 dự án, tổng số vốn đầu tư 6,06 tỷ USD; hình thức liên doanh 322 dự án với tổng số vốn đầu tư là 5,67 tỷ USD; hợp đồng hợp tác kinh doanh có 29 dự án với tổng số vốn 3,1 tỷ USD; Hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO có 5 dự án, nhưng có quy mô trên 3 tỷ USD. Số còn lại là các hình thức khác như: Công ty cổ phần, công ty mẹ con.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu triển khai các dự án tại nhiều nước thành viên EU. Tính đến hết tháng 8/2012, Việt Nam có 33 dự án đầu tư sang 10 nước EU, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 107 triệu USD. Nhìn chung, quy mô đầu tư còn nhỏ, song đây là những bước đi ban đầu để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU.
Về hợp tác phát triển, EU và các nước thành viên nhanh chóng trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, với tổng vốn ODA cam kết trong giai đoạn 1996 - 2011 là hơn 11 tỷ USD; hỗ trợ Việt Nam xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, cải cách hành chính…góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tổng cam kết của EU (EC+ các nước thành viên) cho Việt Nam đạt 1,01 tỷ USD cho năm 2012, tương đương 13,24% tổng cam kết viện trợ nước ngoài. Tài trợ không hoàn lại chiếm 32,5%, bằng khoảng 324,05 triệu USD. Trong giai đoạn 1993-2011, tổng cam kết ODA của Ủy ban Châu Âu và các nước thành viên EU đạt khoảng trên 13 tỷ USD, chiếm 20% tổng cam kết của cộng đồng tài trợ quốc tế cho Việt Nam, trong đó viện trợ không hoàn lại của EU đạt trên 1 tỷ USD.
Chính sách hợp tác phát triển của EC với các đối tác, trong đó có Việt Nam được kiểm điểm và thực thi thông qua Chiến lược hợp tác Quốc gia (Country Strategic Papers) của EC tiến hành 5 năm một lần và Chương trình Định hướng Quốc gia (National Indicative Programe) tiến hành 2 năm một lần.
Chiến lược hợp tác giai đoạn 2005-2006 với Việt Nam trị giá 162 triệu Euro viện trợ không hoàn lại, tập trung vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ Việt Nam hội nhập. Chiến lược Hợp tác giai đoạn 2007-2013 với Việt Nam trị giá 304 triệu Euro. Trong đó, Chương trình định hướng I (MIP I) cho giai đoạn 2007-2010 là 160 triệu Euro. Chương trình định hướng II (MPI II) cho giai đoạn 2011-2013 là 144 triệu Euro. Hiện tại, hai bên đang triển khai thực hiện các hoạt động trong MIP 2011-2013 với việc xây dựng Chương trình Hỗ trợ thương mại và đầu tư giai đoạn IV (MUTRAP 4) trị giá 15 triệu Euro; Hỗ trợ đối thoại và hợp tác trong khuôn khổ PCA (3 triệu Euro); Hỗ trợ ngân sách ngành y tế (39 triệu Euro); Chương trình giảm nghèo trị giá 50-60 triệu Euro. Ngoài ra, một số lĩnh vực được thông qua các chương trình hợp tác chuyên ngành và hợp tác khu vực như: Môi trường, quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên (năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu), các chương trình hợp tác khu vực EU-ASEAN.
Có thể nhận thấy, những kết quả hợp tác Việt Nam-EU đạt được, xuất phát từ lợi ích và nhu cầu của hai bên trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến nhanh chóng và sâu rộng. Quan hệ Việt Nam - EU được thiết lập khi công cuộc đổi mới của Việt Nam đã mang lại những kết quả ban đầu và EU đang hoạch định chiến lược hợp tác với Châu Á. Việt Nam tìm thấy ở EU một đối tác quan trọng, một thị trường rộng lớn, nguồn đầu tư trực tiếp tiềm năng, là nhà tài trợ quý báu, giàu thiện chí. EU đánh giá cao tiềm năng và xác định, Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược Châu Á của mình. EU tích cực thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, một đối tác tích cực có trách nhiệm và vai trò ngày càng tăng trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng như: ASEAN, ASEM, WTO và Liên hợp quốc. Theo dangcongsan