Thực hiện Công điện số 05/BNN-CĐ ngày 3-2-2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật. Hiện nay một số địa phương đã có dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng; để kịp thời ngăn chặn không cho dịch bệnh tái phát trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các ngành có liên quan triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau đây:
1. Triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 05/BNN-CĐ ngày 3-2-2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc triển khai ngay công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật.
2. UBND các huyện, thành phố, thị xã kiện toàn Ban chỉ huy, phân công lực lượng lãnh đạo và cán bộ các cấp giám sát, phát hiện dịch bệnh đến từng hộ gia đình, đặc biệt các địa bàn trọng yếu, nhằm khi có dịch tái phát thì khoanh vùng xử lý triệt để, nhanh gọn; tiếp tục thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng tập trung , tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo quy định.
3. Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật qua địa bàn; phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng các bệnh dịch theo quy định; đồng thời thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch vận chuyển nội địa và vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tận thôn xóm, hộ chăn nuôi (đặc biệt là các hộ chăn nuôi lớn trước đây đã có gia cầm mắc bệnh) để mọi người dân nhận thức tác hại, biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng và tuyệt đối không giết mổ, ăn thịt gia cầm ốm, chết, ăn tiết canh, ăn thịt, ăn trứng chưa nấu chín để phòng ngừa dịch bệnh.
5. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm tra dịch bệnh ở tất cả cơ sở chăn nuôi gia cầm. Nắm vững số lượng đàn gia cầm, đặc biệt chú trọng các hộ chăn nuôi có quy mô lớn từ 100 con gia cầm trở lên; tiếp tục hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng và kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp động vật mắc bệnh dịch theo quy định; thường xuyên tổng hợp tình hình, đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.