Phóng viên (P.V): Đồng chí cho biết đôi điều về thiên tai và tình hình thiên tai Đ/c Nguyễn Văn Cao: Thiên tai có nhiều dạng: bão gió, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần, nước biển dâng, lũ ống, lũ quét, giông lốc, rét đậm rét hại, nóng bức. Việt Nam là một trong số quốc gia bị ảnh hưởng và tác động lớn của thiên tai, nếu xảy ra. Với tỉnh ta hiểm họa thiên tai chủ yếu ở dạng: bão, lũ, hạn hán, giông lốc…
Năm 2013, tỉnh Ninh Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp của 3 cơn bão ( bão số 5, bão số 6 và cơn bão số 14) và ảnh hưởng của hoàn lưu 2 cơn bão số 2 và số 10. Do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2 từ ngày 22- 25/6 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có mưa vừa đến mưa to đã làm ngập 1733 ha lúa mới cấy bị ngập trong đó 11 ha ngập 2/3 cây, 1207 ha ngập phất phơ, 515 ha ngập trắng và 75,5 ha mạ bị ngập úng. Bão số 6 ảnh hưởng trực tiếp vào tỉnh Ninh Bình từ ngày 7 đến 9-8-2013 gây ra mưa rất to, gió giật mạnh cấp 9 đến cấp 11. Lũ sông Hoàng Long tại bến Đế lên +3.71 đã làm tràn tuyến đê bối xã Gia Hưng huyện Gia Viễn làm 1030 ha lúa bị ngập úng, 27 ha ngô bị đổ, 159,3 ha hoa màu khác bị ảnh hưởng. Như vậy, đối với Ninh Bình phòng chống bão, lũ là những công việc trọng tâm của công tác phòng chống thiên tai
PV: Xin đồng chí cho biết mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp PCLB và giảm nhẹ thiên tai năm 2014 ?
Đ/c Nguyễn Văn Cao: Để đối phó với những diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, trong năm 2014, các cấp, các ngành cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động đề ra các biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất với mục tiêu "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai"; trong đó lấy công tác phòng là chính, đảm bảo an toàn các tuyến đê, kè, cống cũng như tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, đồng thời lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo bền vững. Tăng cường vốn đầu tư tu bổ, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai kết hợp phục vụ dân sinh, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới.
Từ tỉnh đến các huyện, thành phố, thị xã, các ngành tiến hành củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCLB và TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên chỉ đạo, điều hành từng lĩnh vực, từng địa bàn. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, công trình PCLB, công trình thủy lợi, xác định cụ thể trọng điểm PCLB, sóng thần năm 2014 là huyện Kim Sơn; chống lũ là các huyện Nho Quan và Gia Viễn để xây dựng, hoàn thiện phương án PCLB của các cấp, các ngành theo phương châm "4 tại chỗ" đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn. Kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, nhất là công tác "4 tại chỗ" từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn đến các hộ gia đình ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai, đảm bảo cụ thể, sát thực, phù hợp với nguồn lực của địa phương và cộng đồng dân cư.
Chủ động thực hiện các biện pháp xử lý, đảm bảo nguồn nước sạch để cung cấp cho người dân khi thiên tai xảy ra. Rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương để chủ động cứu hộ, cứu nạn tại chỗ kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra. Từng bước hình thành lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ chuyên nghiệp với sự tham gia của các lực lượng tình nguyện, thanh niên xung kích trong công tác phòng tránh, đối phó với thiên tai.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và đài truyền thanh 3 cấp cho nhân dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Từng bước nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai.
Động viên, hướng dẫn nhân dân vùng có nguy cơ ngập lũ chuẩn bị các phương tiện thuyền bè nhỏ, dự trữ lương thực, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước để chủ động đối phó khi ngập lũ xảy ra. Tổ chức tốt công tác tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, hộ đê, hồ đập; nâng cao năng lực công tác tìm kiếm, cứu nạn, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng nước ngoài tham gia TKCN.
Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ phòng, chống lụt, bão, động đất, sóng thần. Từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tại địa phương; phấn đấu nâng cao độ chính xác của dự báo bão, áp thấp, mưa, lũ, động đất, sóng thần để giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tu bổ đê điều, hồ đập, các điểm xung yếu, các công trình trọng điểm.
Tập trung thực hiện công tác rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện việc bố trí sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục tránh, trú lũ bão kết hợp sinh hoạt cộng đồng ở các thôn, xóm vùng có nguy cơ bị ngập lụt, thiên tai cao.
Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng PCLB và giảm nhẹ thiên tai. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, công tác cứu trợ thiên tai và khắc phục hậu quả bão, lụt, ổn định đời sống cho nhân dân, tái thiết và khôi phục sản xuất, môi trường sinh thái sau thiên tai. Tổ chức tốt công tác thường trực PCLB-TKCN theo quy định, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các diễn biến thiên tai; tăng cường, nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển... góp phần thực hiện có hiệu quả công tác PCLB và giảm nhẹ thiên tai năm 2014.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Chiên (thực hiện)