Thời gian qua, do có sự nỗ lực của các cấp, các ngành và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 96 ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh ngày 4/11/2016 về tăng cường quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong hoạt động "Tín dụng đen" và hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 1148 ngày 29/11/2016
và Công văn số 220 ngày 16/3/2017 của Giám đốc Công an tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong hoạt động "Tín dụng đen" và kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn nên hoạt động này đã đi dần vào nề nếp, đúng các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng dịch vụ cầm đồ để hoạt động "Tín dụng đen" như cho vay nặng lãi, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê, siết nợ, cố ý gây thương tích, đây cũng là hoạt động, nguồn gốc phát sinh các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động mang tính bạo lực, côn đồ theo kiểu "xã hội đen", "tín dụng đen"…Chỉ riêng trên địa bàn thành phố Ninh Bình gần đây đã xảy ra 5 vụ dùng chất bẩn để đòi nợ thuê, gây lo lắng bất an cho dư luận xã hội.
Trước tình hình đó, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, giải pháp đề ra.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về lĩnh vực này; thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn trong hoạt động "Tín dụng đen" và kinh doanh dịch vụ cầm đồ trái pháp luật để nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh. Tổ chức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia hoạt động "Tín dụng đen".
Đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ vi phạm pháp luật, hoạt động "Tín dụng đen" trên địa bàn.
Giám đốc Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố phối hợp với các ban, ngành chức năng, các địa phương tổ chức tổng rà soát, đánh giá, phân loại đối với toàn bộ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh để có biện pháp quản lý phù hợp, tập trung vào những cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không có giấy phép hoặc không thực hiện đúng các quy định trong giấy phép để thu lãi suất cao, cầm cố tài sản không có giấy tờ sở hữu chính chủ; tài sản cầm đồ được chủ cơ sở cất, giấu tại nơi khác và không ghi vào sổ sách…
Đồng thời kiên quyết xử lý các ổ nhóm tội phạm đứng ra thực hiện hoạt động "Tín dụng đen", bảo kê, tranh chấp, phân chia địa bàn, điều tiết, đòi nợ thuê… các đối tượng hình sự núp bóng doanh nghiệp như công ty hỗ trợ tài chính, công ty thu hồi công nợ… Số đối tượng sử dụng vũ khí nóng để đòi nợ, siết nợ, gây mất an ninh trật tự và lo lắng trong dư luận nhân dân.
Phối hợp với các ngành làm án đưa các vụ án ra xét xử công khai theo chế độ án điểm để giáo dục, răn đe chung. Phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này để đề xuất, kiến nghị sửa chữa, chấn chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên, dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhưng tình hình lợi dụng dịch vụ cầm đồ để hoạt động "Tín dụng đen" và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến rất phức tạp… Do vậy, khi có nhu cầu vay vốn, cầm đồ, thế chấp, tín chấp, người dân cần phải tỉnh táo chọn lựa những ngân hàng, tổ chức tín dụng có uy tín, những cơ sở được cấp phép, có trụ sở rõ ràng…không nên quá tin vào những lời quảng cáo, tô vẽ của các đối tượng, tránh để tiền mất, tật mang và gây mất ổn định ANTT trên địa bàn.
Bài, ảnh: Nguyễn Bình