Phóng viên (PV): Xin ông cho biết rõ hơn tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên địa bàn cả nước cũng như ở tỉnh ta trong thời gian qua?
Ông Đinh Quốc Sự: Theo thông báo mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại tỉnh Phú Yên và tại tỉnh Nghệ An (đã qua 10 ngày không phát sinh ổ dịch mới). Trước đó, trong tháng 10 dịch cúm gia cầm A/H5N6 cũng đã xuất hiện tại các tỉnh Đắk Lắk và Cao Bằng.
Riêng tại Ninh Bình, trong tháng 10, một hộ chăn nuôi ở huyện Yên Mô có mua một đàn vịt hậu bị ở nơi khác về, sau vài ngày thì có biểu hiện bị bệnh và chết. Qua lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng, kết quả xét nghiệm kết luận là dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N6. Trước tình hình trên, lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn vịt của hộ chăn nuôi này.
Đồng thời, tiến hành điều tra dịch tễ nguyên nhân xảy ra dịch; tiêu độc khử trùng vùng nuôi, khu vực nhốt và phương tiện vận chuyển vịt đi tiêu hủy. Phát động tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, các hộ chăn nuôi lân cận. Tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Đến nay, đã qua 21 ngày, không phát hiện thêm đàn gia cầm bị bệnh.
P.V: Thưa ông, được biết vi rút H5N6 có khả năng lây lan sang người. Về phía cơ quan chuyên môn ông nhận định như thế nào về mức độ nguy hiểm của loại vi rút này?
Ông Đinh Quốc Sự: Vi rút cúm gia cầm A/H5N6 là một vi rút thể động lực cao trên thế giới, lần đầu tiên phát hiện tại Trung Quốc vào năm 2014. Đến thời điểm này, toàn thế giới đã ghi nhận 21 trường hợp người bị nhiễm vi rút H5N6, trong đó có 6 người tử vong. Tại Việt Nam, vi rút chủng H5N6 cũng được phát hiện ngay từ năm 2014, gây ra những ổ dịch rải rác ở những đàn gia cầm chưa được tiêm phòng.
Tuy nhiên, sau 4 năm, đến nay chúng ta chưa phát hiện trường hợp nào người bị nhiễm vi rút cúm H5N6. Các tổ chức quốc tế đánh giá: gia cầm mắc H5N6 có tỷ lệ chết thấp hơn, các triệu chứng bệnh cũng không điển hình như mắc H5N1. Hơn nữa, khả năng lây lan của vi rút cúm H5N6 từ gia cầm sang gia cầm chậm hơn và chưa có bằng chứng lây lan từ người sang người.
PV: Dịp cuối năm, nhu cầu buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm tăng mạnh, liệu có làm tăng nguy cơ bùng phát dịch cúm, thưa ông?
Ông Đinh Quốc Sự: Thực tế, vi rút cúm vẫn đang trú ẩn trong các đàn thủy cầm chưa được tiêm phòng. Trong khi đó, thời tiết chuyển lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của gia cầm, tăng tính cảm thụ với vi rút. Hơn nữa, cuối năm cũng là dịp mà hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm sôi động nhất.
Do vậy, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
PV: Xin ông cho biết hướng kiểm soát dịch và khuyến cáo đối với người dân và các hộ chăn nuôi?
Ông Đinh Quốc Sự: Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm dịp cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, trạm kiểm dịch, mạng lưới thú y cơ sở… giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường kiểm tra các cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở kinh doanh, vận chuyển con giống; trọng tâm là kiểm tra về nguồn gốc, chất lượng, tiêu chuẩn con giống.
Bên cạnh đó, kiểm soát tốt việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y ra vào tỉnh. Đồng thời, triển khai các đợt vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường, cơ sở chăn nuôi.
Hiện nay, Chi cục cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông. Đối tượng tiêm phòng là gia súc, gia cầm chăn nuôi tại các hộ gia đình, các trang trại, cơ sở chăn nuôi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh.
Đối với người chăn nuôi, chúng tôi khuyến cáo cần thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Khẩn trương chủ động mua vắc-xin và tiêm phòng cho đàn gà, vịt, chim cút... Tiến hành thu gom, xử lý chất thải hàng ngày, phun thuốc tiêu độc sát trùng khu vực chuồng trại và xung quanh chuồng nuôi để hạn chế mầm bệnh.
Bà con cũng phải theo dõi chặt chẽ đàn gia cầm, tăng khẩu phần dinh dưỡng, cho gia cầm uống nước sạch... Khi thấy vật nuôi có biểu hiện bất thường thì báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương gần nhất.
Đặc biệt, người chăn nuôi tuyệt đối không được giấu dịch, cố bán chạy gia cầm bị bệnh, vứt xác gia cầm chết ra môi trường vì rất dễ làm dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Phương (thực hiện)