Đến Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô vào ngày cuối tuần, lượng bệnh nhân đến khám bệnh khá đông, trong đó có nhiều người đến khám mắt. Chị Trần Thị Mỹ Chinh (xóm Trong, xã Khánh Dương) đang ngồi chờ đến lượt tại phòng khám mắt, chị cho biết: Cô con gái Yên Nhi lên 7 tuổi, mấy ngày đi học về cứ kêu cộm mắt, khó nhìn… nghĩ trẻ con hay nghịch ngợm, nhỡ bụi bay vào mắt nên chị chỉ rửa mặt cho con mà không nghĩ đến bệnh về mắt. Mấy ngày sau thấy mắt con sưng đỏ, sốt nhẹ, chị vội đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện. Qua khám, bác sỹ chẩn đoán cháu bị viêm kết mạc cấp, chính là căn bệnh đau mắt đỏ mà người dân vẫn quen gọi. Bác sỹ Phạm Thị Thanh Hương, liên Khoa Mắt - Tai, mũi, họng - Răng, hàm, mặt cho biết thêm: Năm nay, từ tháng 8 số lượng bệnh nhân đến khám các bệnh về mắt gia tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa đón tiếp, điều trị cho hơn chục bệnh nhân, tăng từ 15- 20% so với ngày bình thường. Đối tượng mắc bệnh ở các lứa tuổi: người già, trẻ em, trung niên…hầu như người đến khám đều có các triệu chứng của bệnh viêm kết mạc cấp. Sau khi kê đơn thuốc, hướng điều trị, các bác sỹ đã hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc, vệ sinh đôi mắt, các biện pháp phòng lây nhiễm đối với những người xung quanh.
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt tỉnh, từ 1-7 đến 31-8, Bệnh viện đã khám, phát hiện 644/4.295 người bị mắc bệnh đau mắt đỏ. Từ đầu tháng 9 đến nay, có hơn 160 người mắc, trong đó chỉ trong 3 ngày, đã có tới 90 người đến khám và được chẩn đoán bị đau mắt đỏ. Theo bác sỹ Tô Thị Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh: Bệnh đau mắt đỏ xuất hiện rải rác quanh năm nhưng có dấu hiệu phát triển vào những tháng cuối năm. Riêng năm nay, dịch đến sớm và đã lây lan ra nhiều khu vực, với nhiều người mắc ở các địa phương trong tỉnh. Do đang là thời điểm dịch đau mắt đỏ xuất hiện nên số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện tăng từ 30- 40% so với bình thường. Nguyên nhân như: do dùng chung khăn, chung chậu rửa mặt, chung thuốc nhỏ mắt…
Đây là nguyên nhân khiến trong một gia đình nếu một người bị đau mắt, cả nhà thường bị lây. Đặc biệt, trong môi trường tập thể như các trường mầm non, tiểu học… nếu có trẻ bị đau mắt đỏ nên cách ly, yêu cầu bố mẹ để trẻ ở nhà để tránh lây lan ra các cháu khác. Cũng theo bác sỹ Tô Thị Hoa, đau mắt đỏ thường có các biểu hiện: mắt đỏ có thể phù nề mi kết mạc, mắt thấy khó chịu, cay mắt, cảm giác như có cát bụi, ngứa, mắt có nhiều rử, dính mắt. Nếu bệnh nhân đi khám mắt sẽ thấy thị lực vẫn bình thường, rử mắt nhiều, có màu trắng hoặc vàng... Khi thấy có các triệu chứng trên, tốt nhất nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở chuyên khoa về mắt để khám và điều trị. Nếu ở mức độ nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà bằng cách dùng dung dịch NaCl 9%o nhỏ rửa mắt, lấy chất tiết hàng ngày và tra thêm một trong số các thuốc kháng sinh như: Gentamycin 0,5%, Tobramycin, Ciproflocacin, Tetraxyclin…
Trước tình hình dịch đau mắt đỏ đang có dấu hiệu lây lan ra diện rộng, các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người như: bệnh viện, trường học, doanh trại quân đội…là những địa điểm rất dễ lây lan dịch bệnh. Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp kiến thức về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ để các tầng lớp nhân dân nắm bắt được. Các trạm y tế cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà trường, nhất là các trường mầm non để hướng dẫn, tư vấn cho các nhà trường biết cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ thông qua việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, chăm sóc trẻ, xử lý ổ dịch nếu phát sinh dịch bệnh…
Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân: Bệnh đau mắt đỏ thường khỏi sau 3-7 ngày. Đối với bệnh nhân đã điều trị sau 3- 5 ngày không đỡ hoặc nhìn mờ, chói, chảy nước mắt cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa về mắt để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra như: sẹo giác mạc, giảm thị lực, thậm chí gây mù lòa.
Bài, ảnh: Bùi Diệu