Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 320 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Để chủ động đối phó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) & tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão Kalmaegi (bão số 3). Triển khai thực hiện tốt các phương án PCLB & TKCN năm 2014 đảm bảo chi tiết, cụ thể, khoa học, phù hợp cho từng vùng, theo các cấp độ; phòng chống lũ sông Hoàng Long; phòng chống úng, lụt; phương án cứu trợ, khắc phục hậu quả, bão lũ, khôi phục sản xuất; các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu đê sông, đê biển; phòng, chống úng; phương án vận hành tràn.
Ngành Nông nghiệp và PTNT, các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã đã chủ động triển khai ngay biện pháp chống úng; tổ chức vận hành các trạm bơm tiêu các loại, mở cống dưới đê để tiêu nước đệm trong hệ thống; tiến hành rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ chứa.
Các ngành như Giao thông Vận tải, Công an, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp… chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để kịp thời ứng cứu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiểm soát giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngầm tràn qua sông, suối, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Ngoài lực lượng xung kích, thường trực PCLB của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, các xã, còn huy động thêm lực lượng cơ động của quân đội để tăng cường cho các địa phương thường trực, bảo vệ các trọng điểm PCLB trên địa bàn toàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo tổ chức chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, trường học, bệnh viện …để đảm bảo an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân.
Các chủ đầu tư tạm ngừng các công trình đang thi công dở dang và triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão và bảo vệ công trình đang thi công. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến của bão, mưa lũ và các chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Tại huyện ven biển Kim Sơn công tác chuẩn bị đối phó với bão số 3 cũng được triển khai rất khẩn trương. Huyện Kim Sơn đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng tỉnh theo dõi, kiểm đếm, tìm mọi biện pháp thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực ảnh hưởng của bão. Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, giữ liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Bộ đội biên phòng tỉnh duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc để theo dõi diễn biến của bão. Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB, TKCN Bộ đội biên phòng tỉnh, đến sáng ngày 15/9, trên địa bàn huyện Kim Sơn có tổng số 129 tàu, thuyền với 296 ngư dân; trong đó có 62 tàu với 157 ngư dân đang neo đậu tại bến, 65 tàu, thuyền với 125 ngư dân đang hoạt động ở khu vực ven biển từ Nam Định đến Thanh Hóa, 2 tàu với 14 ngư dân hoạt động tại cửa Hới (Thanh Hóa) và 361 lao động đang nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê Bình Minh III (Kim Sơn).
Huyện Kim Sơn đã chỉ đạo các ngành, địa phương duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, các trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân phía ngoài đê Bình Minh II vào nơi tránh trú bão an toàn…
Hiện nay, Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phươngtheo dõi chặt chẽ diễn biến bão. Triển khai các mọi biện pháp thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực ảnh hưởng của bão.
Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, giữ liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Triển khai thu hoạch sản phẩm nông nghiệp với phương châm " xanh nhà hơn già đồng"; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân phía ngoài đê Bình Minh II vào nơi tránh trú bão an toàn. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt.
Chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công. Khẩn trương tổ chức chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, trường học, bệnh viện… để đảm bảo an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để kịp thời ứng cứu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiểm soát giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngầm tràn qua sông, suối, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Đồng thời thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau bão. Bố trí trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của cơn bão số 3 để có biện pháp đối phó và xử lý kịp thời các tình huống.
Thanh Chiên