Hôm nay, trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư lịch sử và văn hiến, Báo Ninh Bình hân hạnh được chào đón các đồng chí đại biểu thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng đại biểu lãnh đạo 25 Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc và các Báo khách mời đã về dự Hội thảo với chủ đề "Báo Đảng địa phương tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới".
Sự hiện diện của các đồng chí là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, là tình cảm đồng nghiệp ấm áp đối với những người làm báo Ninh Bình. Cho phép tôi được thay mặt cán bộ, phóng viên, CNV Báo Ninh Bình xin gửi tới các vị đại biểu khách quý, các đại biểu về dự Hội thảo lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt, chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp!
Qua đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong suốt thời gian 3 thập kỷ tăng trưởng, gần đây tăng trưởng của ngành Nông nghiệp chậm lại, thậm chí 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng âm. Các nguồn nguyên liệu đầu vào như đất đai, lao động, nguồn vốn đã chuyển rất nhiều sang các ngành phi nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp và kinh tế đô thị…
Ngay cả môi trường hiện tại và định hướng tương lai của chúng ta có rất nhiều biến đổi: Khoa học công nghệ biến đổi rất nhanh, biến đổi khí hậu, tần suất thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, thị trường trong và ngoài nước cũng biến đổi. Trong khi đó nước ta vẫn còn khoảng 70% dân số sống và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì vấn đề tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với mục tiêu nâng cao thu nhập của nông dân được xem là định hướng phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới. Thay vì chạy theo sản lượng, giờ đây chúng ta phải nâng cao giá trị nông sản. Một quyết định mang tính đột phá, xuất phát từ nhu cầu tự thân của ngành mà sản xuất đã đến giới hạn.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng. Với mục tiêu toàn diện: Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch, xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh trật tự, tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân…
Để ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế quốc dân thì đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp. Đây là đòi hỏi bức xúc cần được triển khai mạnh mẽ, bằng những giải pháp đồng bộ. Đồng thời phải đặt người dân vào vị trí trọng tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hai vấn đề trên gắn kết chặt chẽ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Muốn tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thành công có nhiều giải pháp cụ thể như: Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng thị trường mở; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thay đổi đơn vị sản xuất ở cơ sở, hoàn thiện chính sách đất đai, chính sách đầu tư…
Nhưng trong đó một giải pháp hết sức quan trọng đó là nâng cao nhận thức của người dân, của cộng đồng để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Để thực hiện được điều này thì công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, trong đó vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Hệ thống Báo Đảng địa phương cần làm gì và làm như thế nào để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả thiết thực, cùng chung tay làm chuyển biến nhận thức và hành động trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là mục đích mà Hội thảo của chúng ta đặt ra.
Việc làm này càng có ý nghĩa sâu sắc khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng ở mỗi địa phương và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Như đã trao đổi, mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người nông dân. Đây là động lực quan trọng để phát huy toàn bộ tinh thần sáng tạo, năng lực của hàng triệu hộ nông dân tham gia tái cơ cấu. Họ phải biết vai trò của mình nằm ở đâu trong tái cơ cấu nông nghiệp. Sinh kế của họ trong tương lai sẽ như thế nào? Đây là vấn đề mấu chốt cần được giải đáp để huy động toàn bộ hệ thống chính trị và người nông dân tham gia tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến trên thực tiễn.
Sau thời gian thực hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá việc triển khai thực hiện đề án còn nhiều tồn tại mà nguyên nhân chính nằm ở chỗ nhận thức về tái cơ cấu ngành, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi, tư duy cũ vẫn ảnh hưởng, tác động trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ giữa tái cơ cầu ngành với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và Chương trình xây dựng nông thôn mới như thế nào? dẫn đến còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Kết quả thực hiện trên thực tế chưa nhiều, tác động đến tăng trưởng của ngành và thu nhập của nông dân còn ít.
Vì vậy, vai trò của Báo chí trong đó có Báo Đảng địa phương là góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội và người nông dân về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều này thì bản thân người làm công tác tuyên truyền phải nắm vững những vấn đề về lý luận và thực tiễn để đồng hành cùng bạn đọc trong đó có bà con nông dân. Từng người dân và cộng đồng dân cư phải hiểu rằng chính họ giữ vai trò chủ thể, nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới. Họ được biết, được bàn, được quyết định, tự làm, tự giám sát và thụ hưởng. Đóng góp công sức, tiền của để chỉnh trang nơi ở của mình, đầu tư cho sản xuất, đóng góp xây dựng các công trình công cộng của thôn, bản, xã.
Cấp ủy, chính quyền xã, chi ủy, trưởng thôn là người trực tiếp tổ chức, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhà nước giữ vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, tổ chức thi đua - khen thưởng. Nếu hiểu rõ như vậy sẽ tránh được việc trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, có quyết tâm trong tổ chức thực hiện.
Như vậy, vấn đề đặt ra cho lãnh đạo các cơ quan Báo Đảng là phải phân công cho phóng viên, nhóm phóng viên cùng các phòng, ban chuyên môn rõ ràng để họ quán triệt, nghiên cứu cụ thể, tỉ mỉ về những nội dung tuyên truyền, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng đi tìm hiểu thực tiễn trên địa bàn, từ đó xây dựng những đề tài cụ thể để có những tác phẩm báo chí có chất lượng, có sức thuyết phục và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Đó không thể là tác phẩm báo chí chỉ đề cập đến vấn đề lý luận chung chung, áp đặt, khô cứng mà phải là sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, mang hơi thở của cuộc sống. Trong đó, khuyến khích những tác phẩm báo chí giới thiệu những mô hình, cách làm hay, sáng tạo để từ đó nhân rộng trong cộng đồng.
Tuy nhiên, đây là vấn đề mới và khó, thực hiện là cả một quá trình, vì thế Báo Đảng địa phương cũng cần có những tác phẩm báo chí mang tính phản biện như: Việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; hình thức tổ chức sản xuất trong chăn nuôi, lâm nghiệp chưa rõ; khu vực hợp tác xã còn nhiều lúng túng trong thực hiện Luật Hợp tác xã, kinh tế hộ, nhỏ lẻ ngày càng bộc lộ yếu kém; nông, lâm trường quốc doanh chậm đổi mới, thu hút đầu tư, tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Việc nợ đọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng của chương trình xây dựng nông thôn mới còn cao, huy động quá sức dân, hay có biểu hiện chạy theo thành tích trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề cạnh tranh trong truyền thông là hết sức gay gắt, vì thế khi đã nắm chắc những nội dung cần tập trung tuyên truyền, mỗi cơ quan báo chí cần có cách thức, hình thức tuyên truyền hợp lý đến công chúng báo chí, tạo nên sự cộng hưởng mang lại hiệu quả thiết thực.
Không chỉ đảm bảo tính nhanh nhạy, chính xác, kịp thời mà hình thức biểu đạt phải phong phú, sinh động, phù hợp với đối tượng bạn đọc của địa phương, vùng miền, tập tục, văn hóa bản địa. Đặc biệt quan tâm đến vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, các Báo Đảng địa phương đều có báo in, tập san, báo điện tử (hay trang thông tin điện tử) vì thế cần phát huy tối đa lợi thế của báo điện tử, đó là tính nhanh nhạy, diện bao phủ rộng trong cả nước và quốc tế. Đây là một kênh quan trọng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Một vấn đề rất quan trọng nữa là những người quản lý các cơ quan Báo Đảng địa phương cần tạo cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên môi trường tác nghiệp thuận lợi để thực hiện đề tài tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Môi trường ở đây không chỉ giới hạn về điều kiện, phương tiện, trang thiết bị tác nghiệp mà còn là sự phối kết hợp của các cấp, các ngành (nhất là ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn), phải được tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm, tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các cuộc thi báo chí với đề tài tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời để khích lệ phóng viên, biên tập viên say sưa với đề tài này.
Chủ đề Hội thảo của chúng ta "Báo Đảng địa phương tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" có thể nói là đề tài có tầm bao quát rộng và mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa thiết thực không chỉ trước mắt mà cho cả tương lai để nền kinh tế cả nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, vì điều kiện thời gian, chúng ta không tham vọng sẽ đề cập được tất cả những nội dung, khía cạnh của chủ đề.
Do vậy, đề nghị các vị đại biểu, các đồng chí và các bạn đồng nghiệp cùng nhau trao đổi để từng bước góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí về đề tài tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Đề án và chương trình mục tiêu Quốc gia./.