Không phải chỉ đến khi phong trào "Chống rác thải nhựa" do Bộ Tài nguyên môi trường phát động thì hoạt động chống rác thải nhựa ở Ninh Bình mới bắt đầu khởi động. Mà cách đây đã nhiều năm, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân loại bỏ dần đồ dùng bằng nhựa dùng một lần và các vật liệu khó tiêu hủy trong sinh hoạt hàng ngày do một số đoàn thể tiên phong triển khai...
Chống rác thải nhựa theo cách của người Ninh Bình
Giúp các bà nội trợ thói quen sử dụng làn nhựa đi chợ
Từ năm 2012, câu lạc bộ "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon" đầu tiên trong tỉnh được Hội Phụ nữ tỉnh xây dựng, đi vào hoạt động tại Hội Phụ nữ xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh. Ban đầu, khi đưa ra sáng kiến này, nhiều chị em còn ngại ngần và cho rằng đây là việc khó thực hiện bởi thói quen đi chợ hàng ngày thường sử dụng túi nilon đã trở thành "cố hữu" vừa tiện dụng, lại chẳng mất tiền. Nhưng khi đi vào phân tích cái lợi, cái hại của việc sử dụng túi nilon hàng ngày đã hủy hoại môi trường như thế nào, các bà nội trợ quanh năm gắn bó với lũy tre làng mới à, ồ đầy kinh ngạc vì sự tàn phá của nạn ô nhiễm rác thải nhựa đối với môi trường...
Hiểu và có ý thức bảo vệ môi trường sống cho bản thân, gia đình và cho thế hệ con cháu mình, câu lạc bộ "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon" xã Khánh Hải đã thành công khi đưa làn nhựa vào thói quen đi chợ hàng ngày của hội viên phụ nữ trong xã. Kể từ đó đến nay, toàn tỉnh đã có 34 câu lạc bộ với hơn 400 thành viên tham gia. Đồng nghĩa với số hội viên là số làn nhựa được tặng và quan trọng là sự thay đổi về hành vi của mỗi người phụ nữ trong các gia đình. Ra chợ thực phẩm ở nhiều địa phương trong tỉnh, chẳng khó gì để bắt gặp rất nhiều các bà, các cô tay xách làn nhựa, giỏ mây... đi mua sắm.
Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình: Không chỉ sử dụng làn nhựa đi chợ, sự vào cuộc của Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh trong việc hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" còn lan tỏa đến đông đảo hội viên phụ nữ trong tỉnh thông qua việc nhận thức, trách nhiệm của mỗi người có sự thay đổi tích cực: sử dụng cặp lồng, hộp đựng thức ăn chín khi đi chợ, sắm sọt rác có nắp đậy trong gia đình, tái chế đồ dùng bằng nhựa để làm bình, lọ trồng hoa, cây xanh, vận động chị em tiểu thương tại các chợ thực phẩm tận dụng lá chuối, giấy, các sản phẩm thân thiện với môi trường để gói hàng...
Vận động các cơ sở kinh doanh thực phẩm không sử dụng túi nilon
Tháng 7/2019 là "dấu mốc" quan trọng trong việc hưởng ứng phòng trào "Chống rác thải nhựa" của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình khi Hội tổ chức gắn biển "Điểm bán hàng không sử dụng túi nilon" tại cửa hàng nông sản an toàn sông Vân, thành phố Ninh Bình. Ông Nguyễn Văn Tiên, đại diện cửa hàng chia sẻ: Không khí ô nhiễm như hiện nay, cộng với hàng loạt tác hại đối với sức khỏe và môi trường do rác thải nhựa đem lại đã khiến cửa hàng chúng tôi phải nhanh chóng thay đổi thói quen trong việc bọc, gói thực phẩm.
Rau xanh được gói bằng lá chuối tại một cửa hàng nông sản sạch ở thành phố Ninh Bình. Ảnh: Bùi Diệu
Khi triển khai việc thay thế túi nilon bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, cửa hàng rất thuận lợi khi có sẵn nguồn lá chuối từ các trang trại cung cấp nguyên liệu. Ngoài lá chuối, cửa hàng còn tận dụng lá khoai, lá sen để bao gói sản phẩm, dùng bẹ chuối khô hoặc rơm, lạt để bó rau. Cửa hàng cũng đầu tư thêm sản phẩm túi nilon thân thiện và phân hủy được để sử dụng gói, bọc thực phẩm. Đặc biệt, tại cửa hàng còn cung cấp các hộp nhựa sử dụng lâu dài để đựng thực phẩm qua chế biến. Sau khi dùng, nếu khách hàng đem trả lại thì được cửa hàng trả tiền hộp.
Theo ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Việc sử dụng các loại lá cây có sẵn như lá chuối, lá sen, túi giấy...là ý tưởng hay, dễ áp dụng để bảo vệ môi trường nên khi Hội Nông dân tỉnh phát động, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng ngay. Đã có sông Vân (thành phố Ninh Bình), Trang Quyết (gia Viễn), Quang Anh (Tam Điệp)... áp dụng việc gói rau bằng lá chuối. Nhẩm tính số lượng 26 cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh chắc chắn: chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, túi nilon sẽ dần biến mất...Khi đó, số lượng người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, hành vi khi đi chợ hàng ngày cũng sẽ tăng lên...
Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Tại tỉnh Ninh Bình, chống rác thải nhựa là nội dung công việc được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Từ năm 2016, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị, UBND tỉnh có kế hoạch số 61 về thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Trong nhiều nội dung công việc được triển khai, tỉnh Ninh Bình chú trọng nhất giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể; các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về tác hại của rác thải nhựa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng cùng thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.
Năm 2020 UBND tỉnh cũng có công văn số 334/UBND-VP3 về việc quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, giao các sở: Tài nguyên và môi trường, Kế hoạch và đầu tư, Công thương, Xây dựng…và các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung nêu tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị gương mẫu, tích cực đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, không sử dụng băng zôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, lễ kỷ niệm…Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.