Chân dung nhà vô địch Ông Lương Văn Tình, thôn Xuân Vũ, xã Ninh Vân (Hoa Lư) là tay chơi gà chọi có tiếng. Ngoài thời gian làm đá mỹ nghệ, ông dành hết thời gian và… tình yêu cho vài con gà chọi. Ông vỗ về chú gà chọi, rồi tự hào khoe: nhà vô địch mới của hội làng Xuân Vũ năm nay đó.
Ông Tình bật mí, gan dạ, lỳ đòn là một trong những tố chất của một con gà chọi hay. Bên cạnh đó, một con gà được coi là có "tướng mạo", khách chỉ cần nhìn đã thích thì phải đạt những tiêu chuẩn như: nhanh nhẹn, mắt tinh anh, mỏ ngắn, dáng cân đối, cổ to, chân khô, lườn ức gà phải sâu, vai rộng, gồ cao, mình to ngang… Đó mới là những con gà có xương chắc, thể lực tốt và sức chiến đấu bền. Để tìm mua được giống gà tốt, có người cầu kỳ vào tận Quảng Ngãi, Bình Định để tìm mua gà hay với giá cả chục triệu đồng.
Còn đối với ông Tình, may mắn được sở hữu một con gà chọi mái tướng đẹp nên ông tìm mua được một con gà trống đẹp để phối giống rồi tự ấp gà. Đàn gà mới nở thì cả chục con, song tuyển được những con gà tốt, có khả năng chiến đấu cao thì rất ít và kỳ công. Tuyển được gà rồi thì việc chăm sóc và huấn luyện được con gà trở thành một chiến binh dũng mãnh phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng, kỹ thuật tập luyện.
Ông Tình vỗ về chú gà chọi.Ông Lương Văn Tình cho biết, thức ăn chủ yếu của gà chọi vẫn là cơm, thóc. Đây là những thực phẩm chính bảo đảm sự săn chắc của gà. Nhưng trước khi cho gà ăn, thóc phải được sàng sảy, vo sạch, luộc lên rồi để khô. Thóc ngâm nảy mầm cho gà ăn là tốt nhất. Nguồn nước uống cho gà cũng phải đảm bảo vệ sinh, thường thì dùng nước đun sôi để nguội, nước uống phải được thay thường xuyên, không để bụi, bẩn. Trọng lượng của gà chọi phải được theo dõi thường xuyên. Khi chớm thấy có biểu hiện lên cân thì phải có chế độ ăn hãm béo tức thời. Thông thường, một chú gà chọi từ lúc nở ra đến lúc bước vào giai đoạn huấn luyện phải mất chừng 8 tháng, khi ấy gà đạt trọng lượng từ 2,5-2,6 kg. Trước khi bước vào huấn luyện, chủ gà sẽ tiến hành cắt tai, cắt tích gà. Theo những người chủ gà thì sau khi cắt tai, gà sẽ gọn gàng, dễ tránh đòn. Giai đoạn "om trường" là vất vả nhất nhưng cũng quan trọng nhất.
Thông thường, hàng ngày chủ gà phải dùng nghệ vàng, dã nhỏ, trộn với rượu, một chút muối… đun sôi, để ấm rồi quét lên gà, vỗ và mát xa cho gà sau đó đưa gà ra phơi nắng. Ngay ngày hôm sau, dùng nước hỗn hợp của các loại lá như: ổi, chè xanh, chè khô lau sạch nghệ ở mình gà. Cứ làm như vậy thường xuyên sẽ giúp da gà được săn chắc và dày. Khi chiến đấu, đối phương có mổ hay đá cũng không hề hấn gì. Một ngày của gà được khởi động bằng việc phơi sương, phơi nắng, rồi bọc thêm đồng vào chân cho gà chạy bu (chạy lồng) để xương thịt dẻo dai, cơ bắp săn chắc và tăng khả năng di chuyển.
Bên cạnh các bài tập để rèn thể lực, gà còn được bồi dưỡng kỹ năng chiến đấu thông qua 4 kỳ (độ), đó là hai kỳ vần hơi và hai kỳ vần đòn. Khi vần hơi, gà được cho cọ cánh, cọ cổ với nhau với mục đích là kích thích bản năng chiến đấu và tạo sự dẻo dai cho gà chiến sau này. Hết thời gian vần hơi (mỗi lần vần khoảng 100 phút, vần trong nửa tháng liên tiếp) là đến giai đoạn vần đòn. Nghĩa là các cặp gà được sắp xếp cho đá với nhau, nhưng phải bịt mỏ và chân để tránh làm đối phương bị thương. Cũng thông qua cuộc đấu mà các chú gà chiến bộc lộ rõ ưu, nhược điểm trong lối đánh. Có nhiều kiểu đánh như: đứng trên, cùm vía, cưa đề, đả đao… nhưng có những chú gà khi ra đánh đã có những miếng biến lối để chế ngự đòn đối phương. Theo kinh nghiệm của những người sành gà, thì những con gà có lối đánh "cườm trên" hoặc cườm hai mang (đè cổ gà đối phương, vò cho đến mê mệt rồi mới đánh) được coi là những chiến binh bất bại, là nhà vô địch trên các sới gà ngày xuân.
Có còn là thú vui tao nhã?
Ông Nguyễn Quang Diệu, Bí thư chi bộ thôn Xuân Vũ (Ninh Vân, Hoa Lư) cho biết, đã thành thông lệ, hàng năm, vào dịp tổ chức hội làng, người dân trong thôn háo hức chờ đợi nhất, ấy là chú gà chọi nào sẽ lên ngôi vô địch. Cùng với những trò chơi dân gian khác như: tổ tôm, điếm, đu quay… thì chọi gà là một trong những điểm hấp dẫn của hội làng năm nay. Sới gà của hội làng năm nay đã thu hút hàng chục chú từ hạng cân 2,5 đến trên 3kg. Không chỉ gà của địa phương, những người chơi gà ở các vùng lân cận cũng mang gà chiến của mình đến thử sức. Năm nay, ngôi vô địch đã trao cho chú gà chiến của ông Tình.
Phần thưởng cho chức vô địch chỉ là vài chục ngàn đồng, song với ông Lương Văn Tình và những người trong thôn thì đó không phải là vấn đề lớn, bởi quan trọng hơn cả là con gà chiến thắng đó sẽ đại diện cho thôn, cho xã tham gia vào giải đấu cấp huyện trong dịp tổ chức lễ hội Đinh-Lê. Năm ngoái, ông Tình có 4 gà thi đấu thì có tới 3 con chiến thắng. Ông Tình bảo, thường thì cặp gà sẽ thi đấu khoảng 10 hiệp (mỗi hiệp chừng 15 phút) thì phân thắng bại, song đối với những con gà ưu tú thì có khi chỉ cần vài hiệp đấu là đã cho đối phương "nốc ao". Nhưng cũng có những con khiến con người cũng phải cảm phục vì tinh thần thi đấu. Chính tinh thần thượng võ, ý chí không khuất phục ấy của các chú gà chiến đã làm nên sức hấp dẫn của trò chơi dân gian chọi gà ở mọi lễ hội chứ không riêng gì hội làng Xuân Vũ.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, chọi gà đang dần mất đi ý nghĩa đích thực của nó, khi những chủ gà bị hấp dẫn bởi đồng tiền. Cũng vì tiền, nhiều chủ gà dùng tiểu xảo để can thiệp vào diễn biến của trận đấu. Ông Tình ngậm ngùi, trò chọi gà không còn được như xưa nữa. Bây giờ, để tìm được một sới gà không có cá độ thật khó. Theo chân anh Ch., một tay chơi gà có hạng đi vào một sới gà ở xã G. T, huyện Nho Quan. Sới là một mảnh vườn rộng chừng trên 200m2, nằm sâu trong ngõ, nơi ít người qua lại. Sới được xây vòng tròn, cao chừng 50cm, xung quanh được che chắn bởi bông, đệm để gà tránh đá phải tường.
Đến nơi mới gần 9 giờ sáng nhưng bãi để xe đã chật kín, có cả biển số xe ngoại tỉnh. Lòng sới, dân đá gà vây kín, tất cả đang dán mắt vào một cặp đấu. Mỗi lần gà chiến tung đòn, cả đám đông như nổ tung bởi những tiếng xúyt xoa, thậm chí cả tiếng chửi thề. Ch. giải thích với tôi, khi mang gà đến sới, mỗi chủ gà phải nộp phí cho chủ sới. Tiếng là mở sới để tạo sân chơi lành mạnh cho dân mê gà nhưng thực chất là họ kinh doanh. Bởi ngoài tiền phí, họ còn mở nhiều dịch vụ kèm theo để phục vụ khách đến sới như ăn uống, an ninh, giữ xe… với mức giá không hề thấp. Những ngày đông khách, chủ sới kiếm cả tiền triệu. Cách thức tổ chức đá gà cũng ngày càng chuyên nghiệp.
Các sới đều có lịch đá cụ thể, thường thì mỗi tuần tổ chức 2-3 buổi đá gà. Đến sới, có cả những người tuy không có gà chiến, nhưng am hiểu, mê gà và đặc biệt là có máu đỏ đen. Trong các cặp đấu, dân cược sẽ chọn con mà mình thích để đặt cược. Họ thường bắt cược những chú gà chiến có lai lịch …hoành tráng, thần khí tốt. Để đảm bảo công bằng, cặp gà chiến phải "đồng cân, đồng lạng", nếu con nào nhỉnh hơn thì phải chịu bịt mỏ vài phút trong khi thi đấu. Người ta "đổ" vào trận đấu nhẹ thì vài trăm nghìn, nhiều hơn thì cả bạc triệu. Người thắng thì hỉ hả, kẻ thua thì cay cú, thậm chí nuôi cả hận thù.
Chẳng phải ai đến với sới gà cũng rủng rỉnh tiền. Cũng có những người nghèo, có trong túi trăm nghìn nhưng cũng muốn thử vận đỏ đen. Sới gà không chỉ làm biến tướng bản chất tốt đẹp của hội chọi gà truyền thống mà còn khiến tình hình an ninh trật tự của địa phương trở nên phức tạp. Nhiều bi kịch gia đình cũng bắt đầu từ đây.
Bài, ảnh: Đào Hằng