Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 109 chợ, bao gồm: 18 chợ thành thị, 85 chợ nông thôn. Hầu hết các chợ đều nằm gần đường để thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán. Dù đã được quy hoạch khuôn viên và xác định rõ chỉ giới hành lang, nhưng phần lớn các chợ vẫn họp lấn ra mặt đường, gây cản trở giao thông.
Cứ đến ngày họp chợ là người, xe, thậm chí cả các sạp hàng lưu động tùy tiện tràn xuống mặt đường, tiềm ẩn nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Sau mỗi buổi họp chợ, môi trường tại đây nhếch nhác, rác thải xả bừa bãi làm mất mỹ quan khu vực. Hầu hết những người bán hàng đều biết việc buôn bán bên lề hoặc dưới lòng đường là vi phạm luật giao thông và bị xử phạt.
Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, họ vẫn bám mặt đường để kiếm sống, biết làm thế là sai, nhưng họ vẫn tặc lưỡi cho qua, khi cơ quan chức năng đi kiểm tra, bà con tìm cách dọn hàng, khi cơ quan chức năng đi rồi, đâu lại vào đấy.
Chợ ngã ba anh Trỗi (Quỳnh Lưu) nằm trên tuyến đường Tam Điệp-Nho Quan, đây là tuyến đường có lượng phương tiện tham gia giao thông đông, tại khu vực trước cổng chợ lâu nay vẫn tồn tại tình trạng nhiều người dân mua bán lấn chiếm lòng, lề đường. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Những ngày lễ, Tết người dân họp chợ tràn ra lòng đường gây ách tắc giao thông. Mặc dù tại đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc nhưng tình trạng họp chợ dưới lòng đường vẫn diễn ra khá thường xuyên. Một hộ dân gần chợ cho biết, tại đây, thường xuyên xảy ra cãi cọ giữa lái xe ô tô với người đi chợ. Các vụ va chạm giao thông thường xuyên xảy ra. Nhiều lái xe ô tô ngán ngẩm mỗi khi đi qua đoạn đường này.
Chị Thao, một người dân sống gần chợ bức xúc: Gần đây số người buôn bán lấn chiếm lòng đường nhiều, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như người đứng mua hàng. Không chỉ người bán, mà ý thức của người mua cũng rất kém. Ngại gửi xe vào chợ, nhiều người dựng xe ngay dưới lòng đường để mua hàng, làm cho khu vực trước cổng chợ luôn trong tình trạng không đảm bảo an toàn giao thông.
Cùng với sự phát triển các khu dân cư ven đường, các chợ tạm, chợ cóc dọc tuyến đường làng, đường huyện mọc lên như nấm, cả người bán và người mua vẫn lấy sự "tiện" để tụ tập họp chợ, buôn bán ngay trên lề đường mà quên đi những nguy hiểm về tai nạn giao thông luôn rình rập.
Các chợ tự phát nằm chủ yếu ở những vị trí trọng điểm, nhiều xe cộ qua lại. ở các chợ này, nhiều người hồn nhiên để xe thồ, xe máy và bày các vật dụng chứa hàng ngổn ngang sát đường, dễ gây nên cảnh lộn xộn, ùn tắc rất nguy hiểm cho chính những người bán hàng và các phương tiện tham gia giao thông.
Chợ tự phát ở huyện, thành phố nào cũng có đang gây nên tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đường phố, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến đường. Chỉ cần một chiếc bàn gỗ tự chế, một tấm bạt, thậm chí là một bóng mát sát lòng đường, người dân đã có một nơi lý tưởng để buôn bán. Ngay tuyến đường du lịch Tràng An - Bái Đính có rất nhiều hộ dân bán thịt dê ven đường, vừa mất mỹ quan vừa ảnh hưởng đến trật tự ATGT.
Hỏi chuyện, chúng tôi được một người dân bán thịt dê ven đường cho biết: Chúng tôi ngồi ở đây cũng khá lâu, thỉnh thoảng có lực lượng chức năng xuống tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm. Họ xuống thì mình dẹp, họ đi lại bán bình thường. Ngay trên tuyến Quốc lộ 1A cũng có rất nhiều điểm họp chợ ven đường ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Đúng là việc họp chợ ven đường tiện nhưng không lợi, vấn đề này cần được giải quyết dứt điểm.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều lý do có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông như lái xe buồn ngủ mất lái, nhấn nhầm chân ga, quên không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, đã khiến cho nhiều người kinh doanh bên đường thiệt mạng hay mang thương tích suốt đời…
Sau đó nạn nhân, người nhà của họ hay những người chứng kiến đều thấm thía giả định "Giá như". Ngày đưa T. ở xã Sơn Hà (Nho Quan) ra đồng, ai cũng xót lòng vì sự ra đi quá đột ngột của anh, để lại đứa con thơ và người vợ trẻ cô đơn.
Ai cũng nghĩ: Giá như lúc đó, anh T. đội mũ bảo hiểm, thì chắc sẽ hạn chế được phần nào hậu quả", "Giá như lúc đó anh T. chạy chậm hơn một tí, giá như không có mấy người bán hàng bên đường thì có lẽ giờ này sẽ không có cảnh con mất cha và vợ mất chồng như thế này". Nhiều lắm những vụ tai nạn giao thông nguyên nhân chính là do việc họp chợ ven đường gây ra.
Thực tế, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông, dẹp bỏ chợ tự phát. Nhưng, sau những đợt ra quân lập lại trật tự, tình trạng buôn bán lộn xộn tại các chợ tạm lại tái diễn. ở hầu hết các chợ, lực lượng an ninh xã, ban quản lý chợ thường xuyên phân làn, kẻ vạch để người dân ngồi đúng nơi quy định, đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát, đưa ra mức phạt theo quy định đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Song sau khi đoàn kiểm tra đi khỏi, bà con lại ào ra đường họp chợ tiếp. Theo quy định của Nghị định 23/NĐ-CP và 34/NĐ-CP của Chính phủ, với trường hợp vi phạm họp chợ ven đường này thì mức xử phạt rất cao, thế nhưng các mức phạt nặng này lại không khả thi.
Bởi đa số các trường hợp lấn chiếm đều là những người "buôn thúng, bán bưng", có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Phần lớn những người này không có tài sản, không có tài khoản nên chính quyền lấy gì để cưỡng chế? Nhưng nếu chỉ thu hồi tang vật vi phạm vài rổ rau, vài kg trái cây như hiện nay thì chưa đủ tính răn đe. Thậm chí khi lực lượng chức năng quay lưng đi, thì người dân lại bày bán như cũ.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để họp chợ còn xuất phát từ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật ở nhiều chợ chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân khiến tiểu thương đem hàng ra ngoài đường bán và tạo thành thói quen khó thay đổi được, dẫn đến mất ATGT.
Để trả lại sự thông thoáng trên tuyến đường, bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện giao thông, ngoài việc quy hoạch các khu chợ cố định, được biết Sở Công thương đã có kế hoạch chuyển đổi các mô hình chợ; trong đó có việc nâng cấp cơ sở vật chất ở các khu chợ và chuyển đổi mô hình quản lý cho phù hợp hơn, từ đó hạn chế lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ.
Trong những năm qua, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông Công an tỉnh đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt mô hình an toàn cổng trường; thiết nghĩ các cấp, các ngành cũng cần có sự phối kết hợp thực hiện mô hình an toàn các cổng chợ để lập lại trật tự an toàn giao thông, tránh để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, trước mắt các cấp ủy, chính quyền địa phương, các xã, các ban quản lý chợ cần nhanh chóng giải tỏa và có biện pháp mạnh tay đối với những trường hợp cố tình vi phạm, sớm chấm dứt tình trạng họp chợ trên vỉa hè, lề đường nhằm giảm thiểu TNGT và chống ùn tắc giao thông.
Bài, ảnh: Trần Dũng