Chợ nhà máy điện thuộc phường Thanh Bình đi vào hoạt động ổn định tại khu vực mới đã mấy năm, đến nay mọi hoạt động mua-bán thực phẩm diễn ra bình thường. Theo nhiều hộ dân ở dọc tuyến đường thuộc phố Ngọc Sơn cho biết: trước kia khi chợ họp dọc 2 bên đường vào phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Từ 4, 5 giờ sáng, người bán hàng đã đến, kéo theo là những tiếng ồn ào không nhỏ khiến giấc ngủ của nhiều người bị ảnh hưởng. Hàng hóa, thực phẩm được bày bán ngay trước cửa nhà cũng làm cho việc đi lại, dắt xe máy đi làm của nhiều người vất vả. Nhất là khi nhà có công, có việc thì đúng là không biết xoay xở ra sao… Khi phường có chủ trương chuyển chợ vào khu vực bên trong, gần núi Cánh Diều, nơi cách xa khu dân cư, người dân trong phố ai nấy đều phấn khởi và vui mừng. Thời gian đầu, nhiều hộ buôn bán tại chợ còn ngại ngần vì sợ khách hàng không vào chợ để mua. Có tình trạng người bán cứ đặt tạm thực phẩm ở bên ngoài chợ, khi thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra thì bê vào chợ… Tuy nhiên, sau một thời gian, các hộ buôn bán đã chấp hành tốt việc đưa hàng hóa, thực phẩm vào chợ. Người tiêu dùng cũng duy trì được thói quen mua bán thực phẩm tại chợ nên chợ Nhà máy điện đã đi vào hoạt động ổn định, phục vụ thuận tiện nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn phường và khu vực xung quanh. Tuy nhiên, không phải chợ thực phẩm nào cũng hoạt động tách biệt được với khu dân cư như chợ phường Thanh Bình. Hiện trên địa bàn thành phố còn một số chợ hoạt động ngay tại khu dân cư hoặc bày bán hàng hóa, thực phẩm tràn ra cả lòng đường, vỉa hè như: chợ Kim Đồng, chợ gần khu vực bệnh viện Sản-nhi tỉnh (phường Phúc Thành), chợ phường Tân Thành…
Đây là những chợ thường xuyên nhận được phản hồi của người dân vì những bất cập mà nó mang lại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nếu có việc gì phải đến nhà ai đó trong khu vực các chợ kể trên vào giờ tan tầm, người đi xe máy phải rất khó khăn để di chuyển qua các hàng thực phẩm bày bán san sát 2 bên vỉa hè, cộng với người và xe đi chợ đông đúc. Riêng ô tô thì nên tránh vào những khu vực có chợ kể trên nếu không muốn bị "chôn chân" ở đó chưa biết lúc nào hết tắc.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện thành phố Ninh Bình có 19 chợ, trong đó có 10 chợ nằm trong quy hoạch, 9 chợ tạm. Đối với 10 chợ nằm trong quy hoạch, có tổng diện tích là 48.249m2 với trên 2.500 hộ kinh doanh. Doanh thu năm 2016 ước đạt 5.653 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước 480 triệu đồng; Tổng số lao động tham gia quản lý tại các chợ là 84 người với thu nhập bình quân hơn 2,8 triệu đồng/người/tháng.
Riêng đối với 9 chợ tạm có tổng diện tích 7.034 m2 với 1.426 hộ kinh doanh tại chợ, năm 2016 doanh thu ước đạt 786 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước 270 triệu đồng. Tổng số lao động tham gia quản lý tại các chợ tạm là 14 người với thu nhập bình quân gần 2,4 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động của các chợ đi vào nề nếp, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Vừa qua, UBND thành phố đã tổ chức hội nghị đánh giá hiện trạng quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn và nhận định khách quan về hoạt động của các chợ. Đó là việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các chợ trên địa bàn các xã, phường trong những năm qua là một chủ trương đúng đắn của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố.
Tuy nhiên qua quá trình hoạt động đã xuất hiện một số khó khăn, hạn chế như: nhiều chợ xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa, cải tạo do vậy hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng nhu cầu mua, bán của nhân dân. Một số chợ còn để tình trạng các hộ kinh doanh cơi nới, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, mất vệ sinh môi trường….
Từ việc đánh giá đúng thực trạng hoạt động của các chợ, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường phối hợp với phòng Kinh tế thống nhất các phương án để đưa hoạt động của các chợ hiệu quả. Đó là thực hiện phương án chuyển đổi chợ, tìm nhà đầu tư, thực hiện tốt xã hội hóa công tác xây dựng chợ…. nhằm giúp cho người kinh doanh, buôn bán và nhân dân thuận tiện trong việc mua bán, tiêu dùng thực phẩm hàng ngày.
Lý Nhân