Nhớ một thuở hồng hoang
Cụ Đinh Văn Khoan ở Bãi Dốc, thôn Sấm 1 (xã Cúc Phương) năm nay 97 tuổi. Còn khá minh mẫn, song sức khỏe không cho phép cụ vượt hành trình hàng chục cây số để về tảo mộ tổ tiên tiết thanh minh năm nay. Đôi mắt mờ đục, cụ Khoan đành nhớ về nguồn cội bằng những ký ức quá đỗi xa xưa. Ngày ấy, nhà cụ ở bản Mạc - một bản nằm sâu trong Vườn quốc gia Cúc Phương. Cụ lớn lên ở đó, rồi lấy vợ, sinh con, dưới tán rừng già, bên dòng suối nhỏ.
"ở trong rừng có 6 bản. Đó là các bản: Mạc, Bống, Đẵn, Đang, Lá Mền và Đồng Cơn. Mỗi bản chỉ chừng hơn chục nóc nhà. Cuộc sống của đồng bào trong bản bình lặng lắm. Những nếp nhà đơn sơ nép dưới tán cây rừng rộng lớn. Hàng ngày, đồng bào cấy lúa ở cánh đồng Mạc, đi trỉa bắp, trồng sắn ở các thung. Cứ như thế, người nương vào rừng, rừng tựa vào người. Bao thế hệ được rừng chở che, nuôi sống"- cụ Khoan kể.
Là con trai thứ hai của cụ Khoan, ông Đinh Văn Lợi năm nay cũng đã 54 tuổi. Ký ức về thuở hồng hoang đối với ông Lợi đẹp như một khu vườn cổ tích. Ông Lợi nhớ nhất, đó là những buổi được tung tăng tới trường. "Trường" khi đó chỉ là ngôi nhà lá tạm, được dựng dưới tán rừng xanh mát. Lớp học là nơi tập trung học tập của bọn trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 ở vài bản cạnh nhau. Lớp học đơn sơ, nhưng con đường đến trường thì tuyệt đẹp, không chỉ có những cây rừng khổng lồ, có thảm cỏ xanh mướt, mà còn có nhiều loại hoa nở theo mùa, có tiếng chim ríu rít chuyền cành và cả những đàn bướm đủ màu bay lượn…
Ngoài buổi tới trường, thì nhiệm vụ chính của bọn trẻ trong bản khi đó là đi chăn trâu, kiếm củi, đi hái lá thuốc, bắt cua dưới suối… chỉ vậy thôi. Người lớn vẫn dặn chúng rằng không ai được phá rừng, không được săn bắt con vật nào trong rừng… Cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, thực hiện chính sách di dân ra khỏi rừng, từng hộ dân trong các bản đã rời rừng để ra ngoài sinh sống. Gia đình cụ Khoan là hộ cuối cùng rời đi. Đó là năm 1989, ông Lợi khi ấy mới 25 tuổi.
Kể từ đó, năm nào các gia đình từng sống trong rừng như gia đình cụ Đinh Văn Khoan cũng trở lại rừng thăm nguồn cội một lần. Có nhà thì chọn dịp Tết, ngày lễ vu lan báo hiếu hoặc tiết thanh minh để đưa con trẻ về dâng lễ, thành kính tri ân tổ tiên và cũng là dịp để người già sống lại những ký ức về thuở hồng hoang. Cánh đồng Mạc năm nào nay đã trở thành hồ Mạc đẹp tựa bức tranh thủy mặc, nằm hiền hòa dưới những tán rừng xanh, là nơi thu hút biết bao du khách tới thăm quan, thưởng lãm.
Những bước chân lặng lẽ
Trong những chuyến công tác, những lần gặp gỡ nhân dân trong vùng suốt 34 năm công tác tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, rất nhiều lần kiểm lâm Phạm Văn Khánh được nghe các cụ cao niên trong các thôn - những người được rừng chở che kể cho nghe những câu chuyện về một thời hồng hoang ấy. Trong những đêm đông, dưới bếp lửa bập bùng, nghe những câu chuyện được kể với tất cả sự da diết, nhớ nhung đối với cánh rừng già của những người đã đi gần hết cuộc đời, kiểm lâm Phạm Văn Khánh càng thêm yêu rừng, yêu như một phần máu thịt.
"Bàn chân nhìn lành lặn này, nhưng đã hơn một lần bị vỡ xương, vết sẹo dài ở trên đầu mà tôi luôn cố ý che nó bằng mái tóc này… đó là vết thương sau những lần chiến đấu với lâm tặc để bảo vệ rừng. Trở trời, những vết thương lại đau. Nhưng cái nhói đau ấy là để nhắc cho tôi nhớ về trách nhiệm mà tôi gánh ở trên vai. Tình yêu với rừng, sự bình yên của rừng sẽ tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để không ngại khó, ngại khổ, không chùn bước trước hiểm nguy" - anh Khánh nói.
Kiểm lâm Đỗ Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 1 cũng 2 lần bị thương trong những lần đối mặt với lâm tặc. Anh Dũng cho rằng, những hành vi phá rừng đều phải trả giá trước pháp luật. Nhưng đằng sau họ lại là cả những câu chuyện dài. Có những người vì khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên bám vào rừng để sống nhờ lấy củi, chặt cây bán… Hiểu rõ nguyên nhân, nên chúng tôi gần gũi với bà con để làm công tác tuyên truyền, vận động. Những lúc rảnh rỗi, anh em kiểm lâm lại rủ nhau vào các thôn bản lân cận chơi, tiếp xúc và lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của đồng bào, hướng dẫn đồng bào cách phát triển kinh tế và nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con cũng hiểu và chung sức với kiểm lâm cùng nhau bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận lâm tặc rất manh động, vì lợi nhuận trước mắt mà chúng phá rừng, sẵn sàng chống trả lại lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện, bắt giữ. Anh Dũng, anh Khánh là 2 trong số 7 kiểm lâm đang hưởng chế độ thương binh của ngành. Gian khổ, hiểm nguy nhưng những lối mòn xuyên rừng vẫn in đậm dấu chân của các thế hệ kiểm lâm.
Lời tự tình của rừng xanh
Nguyễn Thu Trang là thành viên của nhóm truyền thông Vườn quốc gia Cúc Phương. Trước đó, cô đã có gần 2 năm làm hướng dẫn viên của Vườn. Trang bảo, em có một "mối quan hệ" rất đặc biệt với rừng. Bố em là kiểm lâm Nguyễn Duy Tám. Bố từ miền xa, đến rừng công tác và đã nên duyên cùng mẹ em là một cô giáo ở đây. Bố em vẫn nói rằng, phần lớn cuộc đời của bố gắn bó với khu rừng. Những kỷ niệm, những sự kiện trọng đại trong đời đều có sự chứng giám của cây rừng, của muông thú… Vì vậy, với gia đình em, khu rừng đã trở thành một người ruột thịt.
Tốt nghiệp THPT, Trang quyết định chọn học du lịch. Nguyện vọng sau khi ra trường được trở về công tác tại Vườn quốc gia của cô bé Trang năm nào nay cũng đã thành hiện thực. "Mỗi lần đưa khách đi thăm quan Vườn, khám phá những điều kỳ thú của thiên nhiên, em càng thêm tự hào và thêm gắn bó với rừng. Em vẫn thường nói với khách du lịch rằng, có đi, có khám phá tận ngóc ngách của rừng mới thấy hết được hơi thở, lời tự tình của rừng trong mỗi bước đi. Từ đó, sẽ càng thêm yêu và khát khao được bảo vệ rừng"- Trang tâm sự.
Đức Tuấn cũng là một kiểm lâm còn rất trẻ. Tuấn quê ở huyện Kim Sơn và đã gắn bó với rừng khi mới 23 tuổi. Hơn 2 năm gắn bó với trạm kiểm lâm số 1, Tuấn đã dần quen với những buổi đêm lặng lẽ và buồn trong rừng. Trạm kiểm lâm số 1 chưa có điện. Vì vậy, những lúc rảnh rỗi, kiểm lâm chỉ biết làm bạn với chiếc Radio. Vậy nhưng khi bình minh thức giấc, nhìn ánh nắng xuyên qua kẽ lá, tiếng chim hót líu lo, rộn ràng như một bản nhạc trữ tình thì tinh thần mỗi người lại hăng hái, mê say.
"Những chuyến bồng súng đi xuyên qua cánh rừng để tuần tra, em như lắng nghe được lời tự tình của rừng xanh. Tình yêu với đại ngàn cứ lớn dần theo năm tháng và níu em ở lại mảnh đất này. Noi gương các thế hệ kiểm lâm, em tự nhủ phải cố gắng để góp phần mang lại sự bình yên cho cánh rừng già"- Tuấn tự hào cho biết.
Vì tình yêu với rừng, giờ đây Thu Trang hay kiểm lâm trẻ Đức Tuấn không cần sử dụng đến tài liệu hỗ trợ cũng có thể kể vanh vách về sự trù phú của Vườn quốc gia Cúc Phương. Như hệ động vật với gần 700 loài động vật có xương sống, gồm trên 300 loài chim, hơn 100 loài thú, trên 100 loài bò sát và lưỡng cư, cá… trong đó có loài voọc đen mông trắng rất đẹp và hiếm, được chọn làm biểu tượng của Vườn quốc gia Cúc Phương. Thế giới côn trùng lại càng phong phú, đã ghi nhận gần 2 nghìn loài, thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Ngoài ra, Cúc Phương còn có nhiều hang động đẹp và bí ẩn, như động Sơn cung, động Phò mã giáng… Đặc biệt, có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử cách đây từ 7.500 đến 12 nghìn năm, đó là hang Đăng (động người xưa), hang con Moong…
Với sự phong phú, đa dạng, Vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành sự lựa chọn cho nhiều chuyến du lịch tham quan, khám phá của du khách trong và ngoài nước. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, lượng khách đến thăm quan Vườn quốc gia Cúc Phương cũng giảm, nhưng vẫn đón tiếp 58.200 lượt khách, trong đó khách Việt Nam là 54.747 lượt và khách nước ngoài là 3.453 lượt khách.
Đào Hằng