Đời sống người dân, nhất là người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp, người nghèo, các đối tượng yếu thế được trợ cấp xã hội... có thể sẽ khó khăn hơn. Vì thế, để đảm bảo tăng trưởng bền vững và công bằng xã hội, cần kết hợp hài hòa giữa chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội nhằm phòng ngừa, khắc phục rủi ro, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
An sinh xã hội, chia sẻ khó khăn với người nghèo
Phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh không còn hộ nghèo. Có được kết quả này là nhờ thành phố đã có những quyết sách tập trung, đồng bộ và phù hợp với từng đối tượng. Đảng ủy và chính quyền thành phố xác định, đối với những hộ neo đơn, các đối tượng xã hội ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố sẽ trợ cấp để đảm bảo cuộc sống, thu nhập ổn định vượt tiêu chí hộ nghèo. Hiện nay, một số phường như: Vân Giang, Đông Thành… số hộ nghèo cũng chỉ còn "đếm trên đầu ngón tay". Qua khảo sát cho thấy, có nhiều hộ nghèo do gia đình có người ốm đau, bệnh tật kéo dài, tai nạn rủi ro hoặc già cả, cô đơn không nơi nương tựa. Trước thực trạng trên, thành phố đã quyết định trợ cấp hàng tháng cho toàn bộ 84 hộ là người già cả, cô đơn, độc thân trên địa bàn, với số tiền 265.000 đồng/người/tháng, đồng thời mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho đối tượng trên và cho hộ nghèo có người ốm đau, bệnh tật kéo dài, mỗi người thêm 145.000 đồng/tháng để có thu nhập tối thiểu 265.000 đồng/tháng, giúp họ thoát nghèo.
Thành phố cũng đã quy hoạch và triển khai nâng cấp, xây mới các chợ phường, xã; có chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động; quy hoạch các khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho lao động, nhất là hộ nghèo. Năm 2008, thành phố đã trích ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất cho 108 hộ nghèo với tổng vốn vay 806 triệu đồng; tổ chức 15 lớp dạy nghề cho hơn 500 học viên, trong đó có nhiều học viên thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo.
Trường Trung cấp tư thục dạy nghề Thanh Bình (Tp. Ninh Bình) đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh: Phạm Trường
Kết quả đã có trên 70% học viên học nghề xong có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố còn liên hệ với các trường cao đẳng nghề trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề, kinh phí đào tạo trích từ ngân sách thành phố. Năm 2009, thành phố phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%. Có thể nói thành phố Ninh Bình là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về phát huy nội lực đảm bảo an sinh xã hội, từng bước giảm nghèo.
Đảm bảo an sinh xã hội là chính sách đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay để ngăn chặn suy giảm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Cùng với thành phố Ninh Bình nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang nỗ lực để cùng với tỉnh trợ giúp cho các đối tượng chính sách, nhân dân các xã nghèo trọng điểm.
Trước Tết Nguyên đán, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức cấp phát 15.465 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, 612 triệu đồng từ ngân sách địa phương và 2.000 tấn gạo đến tay người nghèo đảm bảo công bằng, chính xác và đúng quy định. Đồng thời chỉ đạo các xã phường, thị trấn thực hiện niêm yết công khai danh sách hộ nghèo và mức hỗ trợ. Các ngành, các cấp trong tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực thực hiện các chương trình như: Xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng đặc biệt khó khăn, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác…
Nhiều chương trình dự án đã được triển khai, góp phần ổn định cuộc sống cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số… Qua đó, hàng nghìn người lao động được tạo việc làm, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người tàn tật và các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội khác được hưởng chính sách trợ giúp thường xuyên, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống, số người lao động được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tăng…
Tính đến quý I-2009, toàn tỉnh đã có 112.731 người nghèo và nhân dân thuộc các xã nằm trong Chương trình 135, các xã bãi ngang ven biển được cấp thẻ khám chữa bệnh với tổng kinh phí trên 21,9 tỷ đồng. Xác nhận cho 65 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo để được miễn giảm học phí. Tỉnh đã tích cực chỉ đạo việc xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở dột nát, đến nay đã hoàn thành được 999 nhà, đạt 88,8% kế hoạch của cả 2 năm 2008-2009. Hiện đã hoàn thành việc khảo sát, thống kê các hộ khó khăn về nhà ở để thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cần chú trọng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Làm việc với chúng tôi đồng chí Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Việc suy giảm kinh tế phần nào có tác động đến Ninh Bình nhưng mức độ ảnh hưởng là không lớn. Mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đầu quý I có giảm, nhưng đến cuối quý đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên trong thời điểm này toàn tỉnh vẫn còn 9 doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Đối với các làng nghề và HTX, có 6 làng nghề và 2 HTX bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Tổng số lao động trong làng nghề và HTX là 2.772 người, trong đó số lao động mất việc làm là 1.356 người. Dự kiến số lao động trong làng nghề, HTX bị mất việc làm trong năm 2009 là 368 người, số lao động thiếu việc làm 1.380 người. UBND tỉnh đã đẩy mạnh hơn nữa Đề án số 08 về đào tạo nghề cho người lao động đến năm 2010 và định hướng 2015, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các cơ sở dạy nghề hoặc mở lớp đào tạo nghề, cung ứng cho các khu công nghiệp. Tỉnh có cơ chế đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động địa phương, trung bình 2 triệu đồng/người/khóa học, đặc biệt ưu tiên đối với người bị thu hồi đất và lao động thuộc hộ nghèo. Theo đó toàn tỉnh có trên 25.000.000 lượt người được đào tạo nghề, trong đó có 2.694 lao động nông thôn và người tàn tật, 2.317 lao động của các xã nghèo và dạy nghề thường xuyên cho 1.890 người… với tổng kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn, người tàn tật và các xã nghèo là trên 8 tỷ đồng.
Để gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, các địa phương đều chủ động lựa chọn nghề phù hợp. Phối hợp với các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm. Đảm bảo từ 70-90% số lao động được đào tạo đã có việc làm. Hiện nay các làng nghề, xã nghề đã, đang hình thành và phát triển như HTX Ngọc Hiển, Doanh nghiệp thêu Ngọc Bích (Yên Khánh), xã nghề Đức Long (Nho Quan)… đã cơ bản giải quyết được việc làm cho lao động không còn đất canh tác do thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Đi đôi với bảo trợ xã hội, chính sách an sinh xã hội của tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, khu vực bị thu hồi đất và 23 xã nghèo trọng điểm vì đây chính là biện pháp hữu hiệu để giảm nghèo. Năm 2008, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.200 lao động, đưa 1.800 người đi xuất khẩu lao động, trong đó có 194 người thuộc 23 xã nghèo trọng điểm.
Mỗi năm, tỉnh đầu tư 25-30 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo, bố trí 1 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người nghèo vay vốn sản xuất. Đồng thời kết hợp với đẩy mạnh công tác xã hội hóa lĩnh vực giảm nghèo nên cơ sở hạ tầng, đời sống của người nghèo ngày một nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm xuống còn 8,91% năm 2008.
Mục tiêu của Ninh Bình là mỗi năm có từ 40-45 nghìn người lao động được đào tạo nghề, đưa tỷ lệ lao động được qua đào tạo lên 50%, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8% năm 2010.
Nguyễn Thơm