Hội đồng Quốc gia về Hòa bình và Trật tự (NCPO) ban đầu đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. Vào tối 27/5, NCPO cho biết bắt đầu từ bây giờ lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ lúc 0 giờ 1 phút cho đến 4 giờ sáng.
Theo lệnh giới nghiêm, các công ty và nhà hàng phải đóng cửa sớm hơn thường lệ tại thủ đô Bangkok và nhiều khu vực khác trên cả nước. Cộng đồng các doanh nghiệp đã kêu gọi cần nới lỏng quy định này.
Trong một nỗ lực nhằm khôi phục kinh tế, chính quyền quân sự Thái Lan cho biết sẽ công bố các chính sách kinh tế vào tuần tới nhằm thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội của đất nước lên 3% trong năm nay.
Trước đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan được dự báo giảm xuống còn 1,5% do bất ổn chính trị. Các nhà phân tích cho rằng, quân đội đã cho thấy sự quan tâm tới các hoạt động thương mại và cuộc sống hàng ngày của người dân và muốn tránh sự chỉ trích từ trong nước cũng như nước ngoài.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đã làm tổn thương đến nền kinh tế và làm dừng lại nhiều chi tiêu của chính phủ. Kinh tế xứ sở chùa Vàng đang đứng trước bờ vực của sự suy thoái sau khi giảm xuống 2,1% vào đầu năm nay.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã giải tán quốc hội vào tháng 12 năm ngoái và kêu gọi một cuộc bầu cử vào tháng 2 sau đó. Kể từ đó đến nay, chính phủ tạm quyền của bà đã không thể dề xuất những chính sách mới, ngay cả khi nền kinh tế bị chìm xuống.
Trước mắt, ưu tiên của giới cầm quyền Thái Lan hiện nay là chi trả các khoản nợ cho nông dân theo chương trình trợ giá gạo. Bắt đầu từ ngày 26/5, chính quyền quân sự Thái Lan đã bắt đầu chi trả tiền lúa gạo cho nông dân nước này. Theo đó, trong vòng một tháng tới, 90 tỷ baht sẽ được Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC) trả cho nông dân - những người chờ đợi được thanh toán số lúa gạo đã bán cho chính phủ trước đó.
Ngày 27/5, hàng nghìn nông dân Thái Lan đã tập trung tại một căn cứ quân sự ở Bangkok để bày tỏ sự biết ơn đối với nhà lãnh đạo của chính quyền quân sự vì đã trả khoản nợ dài ngày cho họ.
Theo Dangcongsan.vn