Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020; tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2020 đại dịch COVID-19 đã gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta, nhưng so với khu vực và thế giới, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.
Cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước vẫn được bảo đảm nhưng ở mức thấp do tác động của dịch bệnh và các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế về giảm, giãn, hoãn một số khoản thu. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước bằng 43,9% dự toán năm, giảm 11,1% so với cùng kỳ; tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước bằng 41,8% dự toán năm, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động thương mại, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.
Tiếp đó, hội nghị đã nghe các bộ, ngành báo cáo: tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 84/NQ-CP, Chỉ thị 11/CT-TTg của Chính phủ; tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2019 và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020; tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;
Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2019; Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện nhiệm vụ; tình hình triển khai gói an sinh xã hội và việc triển khai chính sách xã hội 6 tháng cuối năm; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; báo cáo cập nhật tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Các bộ, ngành, địa phương đã tham gia phát biểu ý kiến tại hội nghị làm rõ những kết quả đạt được về kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, tình hình thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ... Đồng thời thảo luận các kịch bản, các giải pháp để thực hiện "mục tiêu kép" vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi nền kinh tế trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành, cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, điều hành khá ăn ý, nhịp nhàng, chấp hành nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sử dụng các biện pháp, công cụ liên quan, cả vi mô và vĩ mô.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải hành động, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao chất lượng để phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế sau COVID-19. Các ngành, các cấp cần hoạt động chặt chẽ, hiệu quả hơn, có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn nhất là về thể chế, chính sách.
Trong đó cần tập trung vào 3 định hướng chính là kiên quyết không để dịch bệnh quay lại; ưu tiễn hỗ trợ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, hỗ trợ cuộc sống người dân; điều hành chính sách tài khóa tiền tệ hiệu quả, linh hoạt gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.
Cần phát huy vai trò, động lực của các địa phương, nhất là các "đầu tàu kinh tế", các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn. Phải có giải pháp mạnh hơn, đồng bộ để vực dậy khu vực dịch vụ, du lịch, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh hiện nay.
Hồng Giang- Anh Tuấn