Đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực dự và chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt về Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, là cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước.
Trong gần 1 năm trở lại đây, Chính phủ tổ chức gần 20 cuộc họp đóng góp ý kiến vào xây dựng Quy hoạch điện VIII. Tới nay, dự thảo Quy hoạch được thống nhất đã xác định tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là khoảng 146.000 MW và đến năm 2045 khoảng 343.000 MW, phù hợp với các quy định trên cơ sở phân bổ vùng, miền; cơ cấu nguồn điện hợp lý hơn; đường dây truyền tải điện tiết kiệm hơn; bám sát được tinh thần của các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và cam kết với quốc tế...
Tại tỉnh Ninh Bình hiện có 2 nhà máy nhiệt điện; 1 trạm biến áp 500/220/110kV; 16 trạm biến áp với 28 máy biến áp 110kV, thực hiện việc cung cấp điện cho lưới điện toàn tỉnh. Bên cạnh đó còn có 4 tuyến đường dây 500kV; 2 hệ thống điện 220kV.
Trong giai đoạn quy hoạch 2016-2021, các dự án đường dây và trạm biến áp của các tổ chức và đơn vị điện lực thực hiện đúng theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025. Các công trình nguồn và lưới điện đưa vào vận hành đã phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.
Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn, công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí đặt trạm biến áp gặp nhiều khó khăn nên hiện tại một số dự án đường dây và trạm biến áp 220kV và 110kV trên địa bàn tỉnh vẫn chưa triển khai thực hiện được.
Trên cơ sở dự thảo Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đề nghị các đại biểu dự hội nghị tập trung phân tích những hạn chế, tồn tại, đặc biệt là các dự án trong Quy hoạch điện VII cần phải điều chỉnh, loại ra ngoài; một số dự án đã đưa vào Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ vào tháng 3/2021 nếu chưa hợp lý cũng cần phải đưa ra.
Tại hội nghị, các đại biểu của Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cơ bản đồng tình với quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công thương xây dựng, mong muốn quy hoạch tiếp tục được điều chỉnh làm sao cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh quá tải trong truyền tải điện, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, phù hợp với định hướng phát triển, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lược quốc gia, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện Quy hoạch điện VIII từ rất sớm, rất bài bản, giao Bộ Công thương thực hiện các bước quy trình xây dựng Quy hoạch trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả của Quy hoạch điện VII. Trong đó yêu cầu phải rà soát kỹ Quy hoạch để đảm bảo tính khả thi, với tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, chống tiêu cực trong xây dựng phát triển điện lực quốc gia.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu: Khi xây dựng Quy hoạch Bộ Công thương cần phân tích thật kỹ để cân đối nguồn thực hiện chuyển đổi phù hợp xu thế, hạn chế khí thải, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cùng với đó, chú trọng phân bổ vùng, miền để tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát, hao hụt điện trong quá trình truyền tải.
Các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu sẽ là căn cứ quan trọng để Quy hoạch điện VIII sớm được hoàn thiện hơn nữa, phấn đấu trình Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét, đánh giá, phê duyệt trong tháng 4.
Nguyễn Thơm-Anh Tuấn