Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và tám tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực khi tám chỉ tiêu vượt, bốn chỉ tiêu đạt kế hoạch. Về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ tháng 8, Thủ tướng nhấn mạnh, có nhiều điểm mới trong điều hành, thực hiện kế hoạch, như chi thường xuyên giảm và chi đầu tư tăng; công nghệ 4.0 được triển khai bước đầu, vấn đề môi trường được quan tâm, khắc phục một số khâu yếu như công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng thúc đẩy các sản phẩm xuất khẩu... qua đó, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường đã được khẳng định trong thời điểm này ở nước ta. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã có môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, được quốc tế đánh giá cao. Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đang rất phấn khởi và bỏ vốn vào đầu tư kinh doanh. Chính phủ và các cấp chính quyền đã quan tâm hơn quyền lợi của người dân, xử lý các vấn đề đặt ra. Tuy vậy, Thủ tướng nêu lên một số tồn tại yếu kém cần khắc phục, nhất là vướng mắc đầu tư kinh doanh, một số vấn đề xã hội bức xúc cần giải quyết. Trong bốn tháng còn lại của năm 2018, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra, giữ vững kỷ luật kỷ cương hành chính; đề cao vai trò người đứng đầu. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục kiểm soát lạm phát. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính và các bộ, ngành vừa tiếp tục áp dụng các giải pháp tiền tệ, tài khóa còn dư địa, đồng thời có giải pháp ứng phó các biến động thế giới. NHNN cần áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng, tài khóa hợp lý, tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; bảo đảm an ninh an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ. Cùng với đó, ngành Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách nhà nước, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, phấn đấu giảm thâm hụt ngân sách dưới mức 3,7% GDP. Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện chống lãng phí triệt để, nhất là chi thường xuyên, quản lý chặt chẽ tài sản công, đất đai, tài nguyên; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu tháng 9 phải báo cáo đầy đủ tình hình giải ngân của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; lưu ý có quy hoạch, kế hoạch tạo sản phẩm để người nông dân không bị thiệt thòi; thanh tra bảo đảm việc vệ sinh an toàn thực phẩm. Có giải pháp bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Trong mùa mưa bão, lũ lên cao ở miền Tây Nam Bộ, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng nhân dân, do đó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương lưu ý tình trạng này. Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình then chốt; chuẩn bị công tác đầu tư các công trình trọng điểm. Bộ Công thương chỉ đạo đẩy mạnh các công trình trọng điểm, tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất; đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, từng bước nâng cao chuỗi giá trị; chủ trì cùng các địa phương rà soát đánh giá việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn để nâng cao hiệu quả thực hiện; chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo vệ hàng hóa trong nước, trong đó có hệ thống bán lẻ. Mở rộng thị trường xuất khẩu, có nhiều hơn nữa thương hiệu Việt chất lượng cao. Bảo đảm tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp lễ Quốc khánh 2-9 tới. Làm tốt hơn nữa công tác thu hút khách du lịch, phấn đấu thu hút 20 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2019. Làm tốt các công tác an sinh xã hội. * Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ (VPCP) họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Vụ việc ở Công ty cổ phần Con Cưng, theo đại diện Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường đã thành lập đoàn thanh tra sơ bộ về việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của công ty. Sau khi ra kết luận liên quan, Bộ đã quyết định tiếp tục thành lập tổ rà soát, đánh giá quy trình kiểm tra, chấp hành quy định pháp luật của công ty và Cục Quản lý thị trường; đánh giá hành vi từng cán bộ liên quan. Bộ sẽ làm chi tiết, cẩn thận, sớm có đánh giá chính thức việc vi phạm (nếu có). Tiêu cực đất đai ở Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, cuộc thanh tra liên quan vụ việc đã kết thúc ngày 11-7. Thanh tra Chính phủ đã lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành chức năng và UBND thành phố Hồ Chí Minh. Kết luận của thanh tra đang được hoàn tất, trong nửa đầu tháng 9 sẽ công bố công khai. Về tuyến đường sắt đô thị số 2, ga Thăng Long, tuyến Trần Hưng Đạo, theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, đây là dự án trọng điểm quốc gia. Vị trí ga thứ 9 trên tuyến nằm trong khu vực bảo vệ của hai di tích hồ Hoàn Kiếm, theo dự án của TP Hà Nội, Bộ cũng như các cơ quan khác được tham vấn lấy ý kiến chuyên ngành. Đây là việc làm thận trọng của Hà Nội, các ga đều được đánh giá, thẩm định kỹ về chuyên môn, tham vấn ý kiến các bộ, ngành, chính quyền, chuyên gia và người dân. Theo chức năng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến về việc quản lý các di tích. Trên cơ sở đánh giá tác động của môi trường và tác động tới quản lý, bảo vệ di tích, Hà Nội có trách nhiệm tiếp tục đánh giá, bảo đảm ga C9 đúng công năng vận tải nhưng phải tuân thủ việc bảo tồn và trong quy định pháp luật cho phép. Liên quan tiêu cực trong thi THPT quốc gia ở Sơn La, Bộ Công an đã chỉ đạo điều tra nghiêm túc, ai vi phạm đều phải bị xử lý. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sơn La đang làm đúng thẩm quyền. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Bộ Công an để có kết luận cuối cùng; thí sinh sai phạm phải bị hủy kết quả thi, trường đại học không tiếp nhận các sinh viên này. Kiểm soát chặt việc nhập khẩu phế liệu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ, hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam có mục đích làm nguyên liệu sản xuất, các lô hàng phế liệu do doanh nghiệp nhập về sản xuất nhựa, thép, giấy,... là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, thời gian qua, sau khi kiểm tra lại, cơ quan hải quan báo cáo có nhiều lô hàng công-ten-nơ vô chủ tồn đọng tại cảng, gây bức xúc trong xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng quản lý các vấn đề như giám định thư, giấy phép nhập khẩu, quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá thế nào là phế liệu nhưng chưa xác định rõ, quy chuẩn hướng dẫn được ban hành thiếu thực tiễn, còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Về góc độ quản lý của Nhà nước, vấn đề này cần phải nghiêm túc xem xét lại. Thủ tướng đã có kết luận, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ: Tài chính, Công thương, Tư pháp, Công an và các địa phương liên quan thanh tra toàn diện các lô hàng phế liệu nhập khẩu nhằm đánh giá chính xác, báo cáo Chính phủ phương án giải quyết, xử lý triệt để vấn đề này. Thủ tướng cũng giao Bộ Công an tiến hành điều tra tổng thể; các đơn vị rà soát kỹ, nhất là lợi dụng việc cấp phép, lợi dụng danh nghĩa công ty để thương mại hóa. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước có nhu cầu nhập khẩu phế liệu để sản xuất vẫn phải được cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cấp giấy phép nhằm duy trì hoạt động bình thường. Có thể nói đây là vấn đề được Thủ tướng và Thường trực Chính phủ hết sức quan tâm, giao nhiều bộ, ngành xem xét, đánh giá để nhìn nhận vấn đề toàn diện, khách quan hơn. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu các bộ khẩn trương tiến hành xác minh sớm, đề xuất hướng xử lý bảo đảm phát triển sản xuất và ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm có thể xảy ra.
Tám tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.860,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước. Cả nước có 87.448 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 878,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% về số DN và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tám tháng qua ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2017.
Nguồn: nhandan.com.vn