Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình trồng rau mầm, chị Nguyễn Thị Phượng cho biết: Trong quá trình nuôi con nhỏ, tôi thường tìm hiểu các kiến thức khoa học trong nuôi dạy con, đặc biệt quan tâm tới dinh dưỡng mỗi ngày cho con. Ngoài sản phẩm như thịt, trứng, cá thì rau xanh cũng là thực phẩm quan trọng trong các bữa ăn của trẻ. Tìm hiểu các loại rau giàu dinh dưỡng nhưng đảm bảo sạch trên mạng, tôi nhận thấy cây rau mầm vừa sạch lại giàu dinh dưỡng. Tôi tìm hiểu kỹ thuật trồng rau mầm ở các tài liệu trên mạng cũng như trang web của các công ty bán hạt giống rau mầm trong miền Nam, rồi mua về trồng thử.
Ban đầu chỉ trồng vài khay cho con nhỏ và gia đình ăn, sau tôi nhân rộng làm cả cho gia đình và người thân ăn. Khi sử dụng rau ở bữa ăn hằng ngày, thấy rau ăn rất ngon lại sạch, tiện dụng khi dùng làm rau sống ăn các loại giấm cua, cá và làm salat, nên tôi đã nảy sinh ra ý tưởng phát triển mô hình rau mầm bán.
Quyết định phát triển mô hình, tôi đã đã tận dụng diện tích 25m2 sân sau nhà để trồng rau mầm, tiếp tục mày mò trên Interner tìm hiểu từng hạt giống rau xem hạt giống nào sản xuất rau mầm tốt, giá thể nào để trồng rau tốt và an toàn nhất.
Thực ra, kỹ thuật trồng rau mầm không quá khó nhưng khá cầu kỳ, kỹ lưỡng, trồng hoàn toàn bằng hữu cơ nên các quy trình phải sạch từ giống, đất trồng không phải đất ruộng mà dùng từ xơ dừa là chính; khay trồng rau (giá thể) là khay nhựa sạch, nước tưới rau hàng ngày là nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích; khu vực trồng rau cần thoáng mát, ánh sáng vừa phải...
Nhờ kiên trì, chịu khó, cùng với niềm đam mê, chị Phượng đã tích lũy được nhiều kiến thức cho bản thân, từ đó nắm vững quy trình cũng như kỹ thuật sản xuất các loại rau mầm như rau muống, rau cải trắng, rau cải đỏ, rau cải ngọt...
Mặc dù chi phí đầu tư trồng rau mầm không lớn, lại tiết kiệm diện tích trồng, thời gian thu hoạch ngắn (khoảng 8 ngày), chu kỳ thu hoạch rau liên tục nhưng thời gian đầu bán ra thị trường không dễ. Nguyên nhân là do tâm lý người mua chưa quen với loại rau hữu cơ này và do giá cao hơn rau trồng truyền thống.
Tuy nhiên, không nản chí, trong 1 tháng liền chị Phượng kiên trì đi tới các cửa hàng rau sạch, siêu thị, nhà hàng trên địa bàn tỉnh để chào hàng, rồi nghĩ ra cách tiếp thị mới là tặng rau cho nhà hàng, người dân dùng thử miễn phí và để lại số điện thoại của mình để sau khi dùng thử nếu nhà hàng hoặc người dân có nhu cầu có thể đặt hàng; lập trang Fanpage "Rau mầm sạch Phượng Minh" để giới thiệu sản phẩm qua các trang Facebook. Dần dần, sản phẩm rau mầm của chị đã thuyết phục được người tiêu dùng và được đặt hàng nhiều hơn.
Chị Phượng cho biết: Khi có khách đặt vài kg rau, tôi cũng mang tới giao tận tay người tiêu dùng và nhà hàng. Ban đầu chưa dùng quen nhiều người chê rau xù xì, nhà hàng chê rau chát. Không khó chịu, phật lòng, tôi đã phân tích cho khách hàng hiểu, rau trồng hoàn toàn bằng hữu cơ nên không thể lên đều và xanh non mơn mởn như rau dùng chất kích thích.
Bên cạnh đó, tôi cũng đầu tư thêm thời gian nghiên cứu nguyên nhân rau mọc không đều và không đẹp, có thể do rau nhiễm nấm hoặc quá trình ngâm hạt giống chưa đạt yêu cầu, bởi mỗi loại rau có thời gian ngâm hạt riêng, có loại 3-6 tiếng, có loại phải 8-10 tiếng, đồng thời chú ý cả việc tưới hàng ngày để phù hợp với từng loại rau mầm.
Từ đó tôi sát sao hơn với quy trình trồng rau, chỉ cung cấp ra thị trường những mầm rau đều, đẹp, sạch. Cơ sở rau mầm Phượng Minh đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Hiện nay, mỗi ngày cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 15-20kg rau mầm các loại chủ yếu ở cửa hàng rau sạch thành phố Ninh Bình, các nhà hàng, quán ăn, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh...
Ngoài ra, chị Phượng còn cung cấp cả hạt giống và giá thể cho người dân có nhu cầu trồng rau mầm tại nhà. Mô hình rau mầm của chị Phượng cho thu nhập mỗi tháng trừ chi phí từ 4-5 triệu đồng.
Với đầu tư sản xuất mô hình thấp, khoảng 20 triệu đồng cho diện tích làm khoảng 30 giá thể rau, sau 1 năm chị Phượng đã cơ bản thu lại vốn. Với ý tưởng nhân rộng mô hình lên khoảng 100 m2, được Hội Phụ nữ xã Khánh Thượng tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng làm nhà kính, cùng với số vốn của gia đình, chị Phượng đang mở rộng mô hình lên hàng trăm giá thể rau.
Đồng thời, chị Phượng đang nỗ lực thực hiện các quy trình đăng ký thương hiệu rau sạch và nhãn mác của cơ quan quản lý nhà nước để sản phẩm đủ điều kiện được đưa vào hệ thống siêu thị, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau mầm sạch của người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Hồng Vân