Vào thời điểm này, trang trại của chị Minh chỉ còn khoảng 500 con gà. Chị giải thích: Đợt Tết Nguyên đán vừa qua, với nhu cầu lớn của thị trường, gia đình tôi đã tiêu thụ được khoảng 3 tạ gà thịt, thu về gần 30 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang có dự định tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và phát triển số lượng đàn gà bởi các mối tiêu thụ cũng khá ổn định. So với việc nuôi ngan trước đây thì nuôi gà dễ tìm đầu ra hơn rất nhiều. Theo chị Minh, nuôi gà tuy đơn giản nhưng phải là người chịu khó, cần cù thì mới thành công.
Đặc biệt, khi bắt gà giống về thả nuôi là phải tiêm phòng ngay các bệnh về cúm gia cầm, thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại.
Song song với nuôi gà thịt, hiện chị Minh cũng đang duy trì nuôi hàng trăm gà đẻ trứng, mỗi ngày thu được 300 quả trứng với giá bán thấp nhất 25.000 đồng/chục trứng.
Điểm đáng chú ý là do nuôi đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh… nên sản phẩm từ trang trại của chị Minh đã tạo được uy tín với rất nhiều khách hàng. Chị không còn phải chạy đi chạy lại để tìm các mối giao hàng như trước đây.
Ngoài nuôi gà chị Minh còn trồng cây hòe. Loại cây này được đánh giá là dễ trồng, chịu hạn tốt, hiếm khi nhiễm sâu bệnh và mất mùa.
Chị Minh nhớ lại, cách đây hơn 2 năm khi có dịp sang Thái Bình chị đã choáng ngợp trước những vườn hòe xanh mướt. Hỏi ra mới biết, đây là một trong những loại cây dược liệu có giá trị đang được nhiều bà con nông dân ở Thái Bình trồng. Người ta thường thu hái hoa hòe ngay từ khi là nụ để làm thuốc. Mỗi kg nụ hòe khô được bán với giá khoảng 150.000 đồng hoặc có thể cao hơn.
Trồng hòe không tốn công chăm sóc, lại ít sâu bệnh. Đặc biệt, khi biết loại cây này chịu hạn tốt, chị Minh nghĩ rằng cây hòe khá phù hợp với đất đồi quê mình. Từ suy nghĩ đó, chị đã mạnh dạn đầu tư 70 triệu đồng để trồng 300 gốc hòe thay thế cho cây vải kém hiệu quả được gia đình trồng từ nhiều năm trước.
Mỗi năm chi phí mua đạm, thuốc sâu cho mỗi gốc hòe hết khoảng vài chục nghìn đồng nhưng dự kiến tiền thu hoạch một cây tối đa có thể lên đến vài triệu đồng/năm. Khi cây hòe đã cao khoảng 1,2 - 1,5m sẽ được ngắt ngọn chính để hoa hòe phát triển cành, cây lên càng nhiều cành, càng nhiều hoa.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn hòe của gia đình, chị Minh phấn khởi kể: Bình thường cây hòe phải trồng ba năm mới có hoa, nhưng do chăm sóc tốt vườn hòe này mới 2 năm đã cho hoa. Chị Minh đang rất hy vọng lứa hoa tiếp theo sẽ giúp gia đình có khoản thu nhập khá hơn và vườn hòe sẽ phát triển lâu dài.
Mô hình kinh tế hiệu quả của chị Minh đang góp phần động viên rất nhiều hội viên, phụ nữ ở xã Đông Sơn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương.
Bài, ảnh: Đào Duy-Anh Tuấn