Trả lời:
Chế độ, chính sách các vùng bị thiệt hại về người và tài sản khi có bão lụt đã được UBND huyện Gia Viễn thực hiện theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13-3-2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP về việc sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 67/2007/NĐ-CP. Trên địa bàn huyện Gia Viễn có 4 xã là: Gia Phong, Gia Minh, Gia Sinh, Gia Lạc và 4 thôn: Kênh Gà (Gia Thịnh), thôn Đồng Vàng (Gia Tiến), thôn Hoa Tiên (Gia Hưng), thôn Phương Đông (Gia Thanh) thường xuyên bị ngập lụt. Theo quy định, nếu xảy ra rủi ro thì được hưởng trợ cấp như sau:
Đối với hộ gia đình: Có người chết, mất tích: 4, 5 triệu đồng/người; có người bị thương nặng: 1,5 triệu đồng/người; có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng: 6 triệu đồng/hộ; Hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét: 6 triệu đồng/hộ;
Riêng đối với hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng hoặc phải di dời nhà khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét sống ở vùng khó khăn thuộc danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ quy định thì mức hỗ trợ là 7 triệu đồng/người.
Đối với cá nhân: Trợ giúp cứu đói: 15 kg gạo/người/tháng, trong thời gian từ 1 đến 3 tháng; Người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị thương nặng, gia đình không biết để chăm sóc: 1,5 triệu đồng/người; Người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú: 15.000 đồng /người /ngày nhưng không quá 30 ngày. Trường hợp đặc biệt cần phải kéo dài thì thời gian được hưởng trợ cấp tối đa không quá 90 ngày và mức trợ cấp bằng mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Đối với người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị chết, gia đình không biết để mai táng, được UBND cấp xã, bệnh viện, cơ quan, đơn vị tổ chức mai táng thì các cơ quan, đơn vị đứng ra mai táng được hỗ trợ kinh phí mai táng thấp nhất bằng 3 triệu đồng /người.
P.B.Đ